Ukraina: Sự phản bội hạt nhân từ Nga


Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói vì Ukraina định sở hữu vũ khí hạt nhân nên Nga phải tấn công.

Cái cớ này khá trớ trêu. Ukraina nói muốn sở hữu vũ khí hạt nhân, thứ từng thuộc về họ cho đến năm 1994, chính vì Nga đã cướp bán đảo Krym và hậu thuẫn cho vùng lỳ khai Donbas, vi phạm trắng trợn lời hứa năm nào.

Ngày 5 tháng 12 năm 1994, Ukraina lúc bấy giờ là nước sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba thế giới, đã ký vào Giác thư Budapest giải trừ số vũ khí mang tính hủy diệt của mình và chuyển giao chúng cho Nga, để đổi lại sự cam kết an ninh của cả Nga, Hoa Kỳ và Anh ー các cường quốc hạt nhân ー rằng lãnh thổ của mình sẽ không bao giờ bị xâm phạm, cùng sự độc lập về chính trị và kinh tế. Cùng ký vào Giác thư Budapest còn có Kazakhstan và Belarus.

Đúng 20 năm sau, Nga phá vỡ cam kết Budapest, sát nhập bán đảo Krym vào nước mình và viện trợ cho lực lượng dân quân ly khai ở Donbas, xuất phát từ việc họ không muốn Ukraina độc lập về chính trị, hai trong số những điều kiện mà Nga từng cam kết năm xưa. Chua chát thay khi Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraina phải than thở rằng: “Giờ đây chúng tôi mất cả vũ khí hạt nhân lẫn an ninh.”

Càng chua chát hơn khi mới đây Belarus đã sửa đổi hiến pháp cho phép nước này tái sở hữu vũ khí hạt nhân và đang đòi Nga trả lại số vũ khí đó, điều mà Nga chắc chắn sẽ hưởng ứng do vị thế chư hầu của Belarus.

Rốt cuộc Ukraina, vì thân phương Tây, nên bị xâm lược vì ý định sở hữu vũ khí hạt nhân vốn từng thuộc về họ, và cũng vốn là con bài để họ mặc cả về an ninh và chính trị của chính mình. Giác thư Budapest với Nga bây giờ không khác gì cuộn giấy vệ sinh đã xài rồi.

Từ bài học của Ukraina, các nước đang sở hữu vũ khí hạt nhân có lẽ không bao giờ nên từ bỏ chương trình phát triển vũ trang của họ, vì an nguy dân tộc.

Tản mạn về kết quả cuộc bầu cử dân chủ Hội đồng Quận tại Hồng Kông

Tranh ủng hộ phong trào phản kháng từ cat (pixiv ID: 37563350)

Điều quan trọng là cuộc bầu cử nói lên ý nguyện thật sự của đại đa số cử tri đi bầu, tức là 4,1 triệu trong số hơn 7 triệu người dân Hồng Kông, giữa muôn trùng nhũng nhiễu từ Bắc Kinh. Kẻ nắm quyền bao giờ cũng có lợi thế nhiều nhất và thủ sẵn nhiều công cụ, phương tiện nhất để cản trở các đối thủ thấp cô bé họng hơn nó (ví dụ sống động của chính quyền và nhân dân). Đừng hỏi tại sao trong đa phần trường hợp xảy ra xung đột dân sự, người ta lại có xu hướng cảm tình dành cho dân thường hơn là những người thực thi quyền lực, vốn vừa “chính danh ngôn thuận” vừa được nai nịt tận răng.

Kết quả bầu cử cũng cho thấy công sức nửa năm trời đấu tranh của phong trào phản kháng là chính nghĩa, đúng đắn và không hề lãng phí, bởi nếu không có sự ủng hộ quần chúng, phe thân Bắc Kinh chắc chắn một lần nữa chiếm hơn 2/3 ghế địa phương. Nó đáp trả sự vu cáo “khủng bố” nhắm vào cả phong trào phản kháng, cũng đồng thời xoa dịu tâm lý quá khích và phá hoại bộc phát của một số kẻ bài Đại lục cực đoan.

Không như hàng loạt tổ chức sừng sỏ hay các cường quốc luôn hô hào ủng hộ tự do dân chủ nhưng chấp nhận quỵ lụy trước chính quyền Trung Nam Hải và phải viết thư xin lỗi một cách nhục nhã mỗi khi làm “tổn thương trái tim người dân” Đại lục, một vùng lãnh thổ nhỏ bé thua thiệt về mọi khía cạnh chính trị lẫn xuất phát điểm lịch sử, không có tư cách quốc gia như Hồng Kông, đã kiên quyết khước từ khấu đầu trước kẻ cầm quyền họ cho là phường vô lại (và… có ai mà không nghĩ nó là quân kẻ cướp vô lại?). “Cứng quá thì gãy” hay không chưa thể biết được, nhưng chưa thử “cứng” mà đã sợ “gãy” thì bản đồ thế giới ắt đã không được như bây giờ (hay có thể nào đó lại là điều… tốt?).

Có thể trong Hội đồng Lập pháp, quyền lực vẫn sẽ thuộc về phe thân Bắc Kinh (Phe kiến chế) dù có qua bao lần bầu cử, bởi cái xiềng mà Bắc Kinh trói buộc Hồng Kông từ sau năm 1997 chỉ có thít chặt thêm từng ngày cho đến năm 2047 chứ không thể nới lỏng ra, và dẫu phong trào phản kháng có bị chà đạp hay bị lạm dụng cho các mục đích khác nhau trong tương lai, tiếng nói của người Hồng Kông trước thế giới hôm nay là thật, là một thời khắc lịch sử xứng đáng được khắc cốt ghi tâm.

Cười cợt cuộc bầu cử được đánh giá là “dân chủ nhất có thể có tại Hồng Kông” (theo SCMP và NHK), cũng là nhạo báng các giá trị thuần túy của quyền làm chủ của nhân dân, thứ mà trong hoàn cảnh bình thường, nhà cầm quyền nơi nào cũng mặc sức tung hô. Hồng Kông vẫn sẽ bảo tồn nét văn hóa Trung Hoa như đã luôn từ xưa đến nay, song có chấp nhận nền chính trị đương thời của Đại lục hay không, quyền quyết định “nên” được trao cho cư dân của chính nó. Người Anh trong quá khứ chưa từng trực tiếp trao cho Hồng Kông đặc quyền này, nhưng nó không phải là cái cớ để phủ nhận thứ mà người Hồng Kông ngày nay khao khát và xứng đáng được hưởng.

Những người bạn là người Hồng Kông của tôi đều đã quay về quê hương thực hiện quyền bầu cử (tất nhiên họ ủng hộ Phe dân chủ). Họ sẽ trở lại Nhật Bản vào tối nay. Tuy khá hiểu niềm sung sướng không gì tả xiết qua những dòng LINE chat, tôi vẫn nôn nóng được nghe trực tiếp cảm xúc của họ.

Phút hoài niệm về “Kantai Collection”

Bản thân Kantai Collection không phải là một “game” đặc biệt đến mức ấy, nhưng cảm hứng và cảm xúc mà nó gián tiếp tạo ra không thể nào tóm gọn trong vài từ.

Ngày trước từng “lỡ miệng” thề rằng sẽ không bao giờ từ bỏ việc chơi KanColle, kết quả không làm được, nhưng thật sự tình cảm dành cho “thế giới KanColle” từ bấy đến nay hầu như không đổi khác đi.

KanColle từng gây lời ra tiếng vào cả trong lẫn ngoài Nhật Bản, moe hóa những chiến hạm từng gieo rắc sóng gió trong cuộc chiến Đại Đông Á tất nhiên là việc khá nhạy cảm lúc bấy giờ.

Nghĩ đến bản thân, tôi đam mê IJN từ lâu (từ cái thời lần đầu đọc hồi ký của hạm trưởng Hara Tameichi, được xuất bản ở Việt Nam rất lâu về trước dưới tên Yamamoto và những trận đánh lịch sử trên Thái Bình Dương). Nhưng lịch sử hải quân đế quốc dù bi tráng khôn nguôi vẫn là một đề tài khó nói và giãi bày, khó bộc bạch cảm xúc. Kantai Collection thực sự đánh trúng vào tâm lý này, hồi sinh những ký ức xưa cũ kia thành những cô gái moe mà từ đó mỗi cá nhân lại nảy sinh phức cảm độc đáo.

Cơ bản như, phong trào “tiểu thuyết hóa” IJN cũng bắt nguồn từ KanColle, và có lẽ tôi là một trong những người sớm nhất làm việc đó, trên Facebook. Nói là “tiểu thuyết hóa” kỳ thực chỉ là chép sử kiểu moe hóa, lấy hình tượng là kanmusu để “lái” qua chuyện thật. Rất nhiều doujinshi thời đó cũng đi theo cảm hứng này w.

Kiểu như, thay vì một con tàu khô khan, một cô gái hấp dẫn hơn và dễ tưởng tượng ra đủ thứ tình huống thú vị hơn, thỏa mãn những người thích IJN và cũng thích… moe.

Rõ ràng rất nhiều người cũng từng vì KanColle mà lại sinh hứng thú với chính sử. Các “teitoku” trong game cũng chịu khó đọc về bối cảnh của kanmusu rất nhiều. Nhờ KanColle mà ký ức về IJN lại được tái hiện vô cùng sinh động.

Thật khó để quên đi những ấn tượng đầu tuyệt vời như thế. Cũng khó có một “hiện tượng kế tục” nào khác đưa người ta về lại quá khứ theo cách đặc biệt như KanColle.

KanColle không chỉ có moe, vì mặc dù không bao giờ là ý định của những người phát triển, cảm hứng từ nó bao gồm lịch sử và các giá trị xưa cũ, theo một cách không hề khoa trương.

Tản mạn: Làm một “pescetarian”

Tôi đã làm một “pescetarian” được 4 năm, nhưng không có nghĩa là lúc nào cũng chỉ ăn thủy sản (nước ngọt và nước mặn).

Trong những chuyến du lịch tôi vẫn nếm đầy đủ đặc sản địa phương, dĩ nhiên là cả thịt các loại. Và trong tuần tôi vẫn ăn trứng. Tôi cũng không xét nét những món bánh vặt có thành phần làm từ gì. Ngày Giáng sinh tôi vẫn ăn gà rán, và một ngày đặc biệt nào đó vẫn sẽ hứng lên vào McDonald’s.

Thế có nghĩa tôi làm “pescetarian” không phải vì kiêng sợ thịt hay một chế độ tôi luyện khắc kỷ nào đó, mà vì khẩu vị cá nhân và sức khỏe nhiều hơn. Dĩ nhiên khẩu vị thì luôn có lúc này lúc khác, và sức khỏe thì không thể bị ảnh hưởng chỉ trong một ngày được, phải không? w.

Sau một thời gian dài như vậy tôi cũng không còn thèm ăn thịt nữa, nhưng khi được ăn thì vẫn thấy rất ngon. Chỉ là tôi không nghĩ đến việc mình “muốn ăn thịt” như ngày trước thôi. Khi cần bổ sung một số chất cần thiết chỉ có trong thịt theo yêu cầu của bác sĩ, tôi vẫn tuân thủ mà (nhưng chưa bao giờ phải như thế cả).

Rất may là về khoản này, bữa cơm gia đình không hề bị ảnh hưởng. Nhà tôi (ít nhất là cho đến lúc này) chẳng ai bị ám ảnh bởi vị ngon của thịt.

Nên là trừ phi bị buộc phải thay đổi, còn lại tôi vẫn sẽ rất hạn chế ăn thịt.

Tản mạn: Nơi để lưu giữ cảm xúc

Một nơi để lưu giữ cảm xúc là rất quan trọng.

Khi thưởng thức xong một tác phẩm hay, ngoài vấn vương cái kết của nó, tôi còn canh cánh lo sợ… mình sẽ quên đi những cảm xúc mà hôm nay đã dành cho nó thật cháy bỏng… nghe cũng hơi tức cười w.

Tôi biết là một tác phẩm để lại ấn tượng và nuối tiếc đến mức tha thiết như thế thì dù thời gian trôi qua nó vẫn đọng lại sâu trong tim, nhưng cái tình cảm ở lần đầu tiên nếm trải nó ngọt ngào hơn nhiều và đáng nhung nhớ mãi mãi.

Bởi không tìm ra được cách nào để lưu giữ mãi thứ cảm xúc đó, tôi chọn cách viết ngay lập tức suy nghĩ của mình, cầu may sau này đọc lại sẽ vẫn mường tượng được phần nào tình cảm lúc đó.

Vậy nên tôi rất trân trọng những nơi có thể “lưu trữ”. Có lẽ chẳng ai quan tâm đến nó cả, hay thấy nó nhạt nhẽo, xoàng xĩnh, chẳng đáng “lưu” mà làm gì. Ví dụ nhưng diễn đàn lưu trữ thảo luận hay blog, ở thời đại mạng xã hội thâu tóm mọi thứ với những câu phê bình vô thưởng vô phát rồi lạc trôi đi đâu mất, các diễn đàn và blog giống như “két an toàn”, dễ dàng tìm lại một cái gì đó từng thuộc về mình ngày xưa.

Không chỉ là về một tác phẩm thôi, mà là tất cả những gì nghĩ ra được trong nhất thời cũng đáng lưu trữ

Những nơi lưu giữ cảm xúc mất đi vì một lý do khách quan nào đó thật vô cùng đáng tiếc.

Tokyo “ô nhiễm”?

Tôi hay thầm nhún vai mỗi khi nghe ai đó kể lể lý do tránh xa hoặc không nên đến Tokyo vì nó “ô nhiễm”.

Thực tế tôi nghĩ, người đó nên dọn nhà đến sống ở Bắc Kinh hay New Delhi để thấm thía hơn cái gọi là “ô nhiễm” của một siêu đô thị. Vùng siêu đô thị Tokyo có dân số lẫn mật độ đông nhất nhì thế giới, và nó từng là nơi ô nhiễm nhất Nhật Bản, nhưng không phải bây giờ. Tôi nghĩ người dân nên cảm thấy hãnh diện vì thủ đô của Nhật Bản sạch sẽ hơn nhiều so với phần đông các siêu đô thị hay thủ đô khác.

Tôi nghĩ Tokyo ở mặt này mặt kia vẫn có ô nhiễm, và người ta vẫn ngại bụi đường phố, nhưng đó nên là sự khó tính của cư dân thủ đô chứ không phải mối lo của người tỉnh khác.

Từng sống tại Chiyoda trong hơn năm năm, tôi vẫn hay bồi hồi nhớ lại những lần tản bộ quanh giao lộ Daikanchodori, gần trạm cảnh sát Kojimachi.

Tôi không thích Tokyo vì nhiều lý do, nhưng chắc chắn không phải vì nó “ô nhiễm”. Xô bồ tấp nập, ngột ngạt do nhà cửa bủa vây, chi phí hay con người, v.v… có thể là nguyên nhân khiến người ta sợ Tokyo, nhưng không thể là “ô nhiễm”.

Cập nhật thành tích phòng vé của “Tenki no Ko”, và một chút trải lòng về bộ phim

Tenki no Ko vừa vượt qua Conan Movie 22, trở thành phim anime có doanh thu cao thứ 12 toàn cầu. Con số này sẽ còn tăng nhiều bởi phim vẫn chưa được chiếu rộng rãi trên các châu lục.

Đối thủ cần vượt qua phía trên nó là là tân binh Dragon Ball Super: Broly vừa công chiếu năm 2018, tuy được hưởng lợi thế từ top 3 franchise nhưng không hề đáng gờm.

Và sau đó là cựu binh Pokémon Movie 2 từ 1999, dự kiến cũng sẽ không mấy khó khăn.

Khi đã vào top 10, Tenki no Ko sẽ lần lượt đụng độ với các huyền thoại của Studio Ghibli, là một thử thách thật sự và chắc chắn không dễ dàng như Kimi no Nawa.

Dù sao tôi hy vọng Tenki no Ko có thể tiến xa hơn một chút nữa, để đỉnh vinh quang của nó cũng phần nào tô đậm thêm sự hào nhoáng cho tên tuổi của Shinkai Makoto, và tất nhiên là cho những gì nó xứng đáng được nhận (cả ở khía cạnh marketing).

Nhưng hiện tại, chỉ có thể đoán rằng nó sẽ dừng chân ở vị trí thứ 10.

Bên dưới là một vài lời tản mạn đêm khuya khác:

Thật lạ khi đây là lần đầu tiên bản thân dành sự quan tâm về mức độ thành công doanh thu ở một movie của Shinkai, cũng như chú ý theo dõi về những thành tựu mà nó có thể gặt hái được.

Tôi cũng không hiểu lý do tại sao nữa. Khi xem Kimi no Nawa. tôi rất ấn tượng nhưng cũng khá bàng quan trước nhưng tin tức dồn dập về nó hàng tuần (như, đã là tuần thứ bao nhiêu nó nắm giữ kỷ lục phòng vé, v.v…)

Chưa bao giờ xem bản thân là một phần của fandom Shinkai Makoto, cũng hờ hững với tất cả những lời có cánh dành cho Shinkai, và mối quan tâm duy nhất là giai đoạn Shinkai còn cộng tác sản xuất opening game cho minori. Trước khi mua vé xem Tenki no Ko tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản, là lại sắp theo dõi một loạt pha “scenery porn” hoành tráng nữa.

Vậy mà lần này tôi tự lấn bản thân vào vòng xoáy “lời qua tiếng lại” trong một tác phẩm Shinkai, lấn sâu một cách bất thường, mà không có lời giải. Có phải vì phim đã vô tình chạm trúng vào một góc khuất nào đó thuộc về bản ngã mà không nhận ra chăng?

Một triết lý đơn giản: khi đã yêu thích các nhân vật, tôi muốn họ phải được hạnh phúc; và khi đã yêu thích một tác phẩm, tôi mong tác phẩm đó được nhiều người đón nhận. Tôi không quan tâm nếu sự “hạnh phúc” đó chẳng may đi ngược lại kỳ vọng của những người trong fandom, hay sự đón nhận lớn lao có thể biến nó thành một dạng “mainstream” giải trí thuần túy.

Dù cho sự phân cực về Tenki no Ko vẫn tiếp diễn, tôi vẫn ủng hộ hết khả năng cho bộ phim. Tôi đã xem lại phim 7 lần kể từ tuần đầu của tháng 8.

Tôi cũng đã mua CD và tiểu thuyết. Lúc này tôi thích nghe đi nghe lại “Trời quang mây và nỗi mất mát”. Không hiểu sao nó cũng khiến tôi rơm rớm nước mắt khi hoài nhớ lại những kỷ niệm đã có với Tenki no Ko. Và tôi cũng đã thật sự bi lay động sâu sắc bởi cảm xúc của Hodaka trong phân đoạn sử dụng bản BGM này.

Tản mạn về tình yêu trong “Tenki no Ko”

Fan-art by Sue (@yomosueyama)

Nửa đêm tản mạn một chút về Tenki no Ko, tất nhiên không phải là “review” (vì tôi chưa thể viết). Và tất nhiên nó cũng “spoil” nặng nề, những ai chưa xem xin tránh.

Ấn tượng bởi nhan đề bài hát “Còn thứ gì mà tình yêu làm được nữa không?”, một cách tự nhiên đã hình thành nên suy nghĩ: vì “tình yêu” ta có thể bất chấp mọi thứ, làm những việc không tưởng, vượt ngoài tầm với. Ta cố gắng hết mình vì theo đuổi tình yêu đích thực của đời mình. Trong thâm tâm ta biết tình yêu dù sâu nặng đến mấy rồi thì cũng có ngày phân ly, nhưng trước sau chỉ muốn đặt trọn tất thảy hy vọng vào nó, và tin tưởng nó đến phút cuối cùng.

Bây giờ đã lập gia đình, đã không còn say mê những lý tưởng lãng mạn rung trời chuyển đất, “vì nàng ta sẵn sàng hy sinh mọi thứ” thời hoang tưởng mộng mơ, nhưng chắc chắn một điều, và ngày càng thấm thía hơn bao giờ hết, tôi sẽ luôn đưa ra quyết định hướng tới gia đình, hướng tới người mình trao trọn “tình yêu”, bất kể hoàn cảnh ngặt nghèo nhất và/hoặc buộc phải hy sinh những giá trị sống khác (lúc này bị xem là thứ yếu). Cũng phải đặc biệt cảm ơn một “tổ chức” khác (như đã viết trong slogan của blog này), nhưng không đề cập ở đây để tránh lạc đề.

Tôi nghĩ rằng, điều đó là vô cùng đơn thuần, là vô cùng hiển nhiên, mặc cho nó “nghe” có vẻ hẹp hòi, ích kỷ.

Xem con người là trên hết thay cho mọi thứ chủ nghĩa đại thể, danh nghĩa đại chúng, từ đó tôi bắt đầu vẽ một vòng tròn nhiều lớp về những người mình trân trọng nhất và ưu tiên nhất trong các mối quan hệ xã hội, rõ ràng “gia đình”, hay nói cách khác là những người mình trao gửi toàn bộ “tình yêu”, sẽ là vòng tròn trong cùng. Tôi tôn trọng xã hội, nhưng “tình yêu” của mình mới là thứ sẵn sàng dốc hết thảy ruột gan ra để bảo vệ, vì còn “tình yêu” là còn mọi thứ.

Nếu đặt vào một bối cảnh viễn tưởng, nơi quyết định cá nhân sẽ gây ra tận thế, mọi người chết hết, nhưng trước sau đã thật sự hết lòng hết dạ với “tình yêu”, thì tôi thà vì “tình yêu” mà quay lưng lại với mọi thứ, rồi sau đó cùng “tình yêu” chết theo thế giới này cũng được. Tôi chắc chắn không phải là một người dũng cảm, hành sự theo lý trí, dám từ bỏ hạnh phúc cá nhân vì đại cuộc, mà trái lại tôi thật sự chấp nhận mặc cho trái tim chi phối, miễn sao tôi vẫn có “tình yêu” bên cạnh.

Thay vì là cảm giác ghen tị, chính bởi có cùng một tâm niệm (dù nó khá tiêu cực) nên tôi hoàn toàn thấu cảm hay đồng cảm trước quyết định của Hodaka (khoan xét đến các khía cạnh khách quan như Hina có đáng phải chịu hy sinh vì thế giới hay không, cũng như “thông điệp chìm” về sự tự sửa chữa của tự nhiên). Trên hết là, tôi cảm thấy những nỗ lực sống và cố gắng hết mình vì tình yêu như Hodaka thật đáng quý và cũng đậm tính chân thực.

Nó “nghe” ích kỷ, nhưng rất nhiều người sẽ phải ích kỷ một khi buộc đưa ra các lựa chọn mang tính vận mệnh giữa “tình yêu” của cả cuộc đời với các giá trị đại thể khác. Nó xứng đáng đến mức phải đánh đổi cả cuộc đời, và thông điệp này cũng được gửi gắm rất nhiều trong bộ phim.

Suga Keisuke từng nói, sẵn sàng hy sinh một cá nhân nếu nó mang lại điều tốt cho cả xã hội, và rằng “ai cũng sẽ làm thế”, nhưng “ai” ở đây là trong hoàn cảnh nào, và cá nhân phải hy sinh đó là người như thế nào đối với họ? Có phải Suga chính là một điển hình của những người “quan sát và đánh giá công tâm”, dùng lý trí để đưa ra các quyết định có lợi hay không cho đại thể? Điều đó vẫn đúng, cho đến khi bản thân anh được đánh thức (hay tự nhận thức) bởi một tâm nguyện tha thiết hướng tới “tình yêu”, chứng kiến một người dám làm tất cả chỉ vì “muốn được gặp người mình yêu”, điều mà sâu trong thâm tâm anh hằng khao khát vô cùng nhưng sẽ chẳng bao giờ làm được nữa. Suga từ vị trí là một người “quan sát công tâm”, đã nhìn thấy chính mình trong Hodaka. Không thể phán đoán tất cả dòng suy tư trong anh vào thời điểm tự nhận thức đó, là một sự thấu cảm tuyệt đối, hay xen lẫn cả sự ganh tị, nhưng chắc chắn anh cũng (và đã luôn luôn) hiểu “vì tình yêu ta có thể làm những gì”.

Không thể phán xét ai khi không sống trong hoàn cảnh của họ và trực tiếp trở thành họ, triết lý này xưa cũ, có sai mà cũng có đúng, nhưng lại rất đúng với các diễn biến trong Tenki no Ko, qua chính sự thay đổi thái độ của một người có xuất phát điểm tương đối đặc biệt như Suga. Ta có thể cho rằng sự hy sinh tất cả vì tình yêu cá nhân là ích kỷ, ngu ngốc, cho đến khi chính bản thân ta phải trực tiếp đưa ra lựa chọn hướng tới người mình sẵn sàng dành trọn cuộc đời để yêu, hoặc đã từng trải qua cái cảm giác vô vọng vì không còn “tình yêu” nữa để mà hy sinh.

“Trời không nắng nữa cũng chẳng sao, anh muốn có em hơn bất kỳ bầu trời xanh nào” là lời tuyên bố hùng hồn nhất mà đồng thời “thực” đến không ngờ cũng vì lẽ đó. Nó gói gọn tất cả nỗi niềm, và cũng phản tỉnh mọi cái nhìn về giá trị của tình yêu đích thực. Một tình yêu không có gì phải hối hận.

Có lẽ vì con người là một sinh vật như thế.

(Tôi viết bài tản mạn này nhân dịp phim công chiếu tại Việt Nam dưới nhan đề Đứa con của thời tiết.)

Suy nghĩ cá nhân về việc quyên góp KyoAni

Có một “truyền thống ngầm” là các công ty Nhật Bản sẽ không nhận trực tiếp các khoản quyên góp, hoặc không thông báo chính thức về việc quyên góp mà chỉ thông qua một nghiệp đoàn lớn hơn hoặc tổ chức trung gian. Ví dụ với ngành công nghiệp anime, đó có thể là AJA hoặc JAniCA.

Không nhớ rằng đã có công ty nào cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự KyoAni để rồi sau đó từ chối các khoản quyên góp hay không, nhưng với bản chất của các doanh nghiệp Nhật Bản thì, nếu thật sự xảy ra cũng không lạ gì.

Có một số mối hoài nghi rằng KyoAni sẽ “từ chối” nhận quyên góp, nó ít nhiều ảnh hưởng đến quyết định gây quỹ. Tại Nhật Bản, Animate đã đi đầu trong gây quỹ quần chúng với tất cả cừa hàng trên toàn quốc (và cả ở chi nhánh Đài Loan, tiếc rằng đã bị cản trở). Ở nước ngoài, Sentai Filmworks qua GoFundMe đã gây quỹ hơn 215 triệu yên.

KyoAni đã thông báo về việc mở tài khoản ngân hàng nhận tiền quyên góp, và bài báo về nó cũng đề cập đến hơn chục công ty cả trong và ngoài nước đang gây quỹ, chắc chắn có bao gồm Animate và Sentai Filmworks. Như vậy nó đã dẹp tan mối hoài nghi về việc từ chối nhận quyên góp.

Việc KyoAni trực tiếp nói về việc gây quỹ, vốn là một điều khá hiếm hoi với các công ty Nhật Bản, có thể giải thích (?) là KyoAni đang muốn đáp lại lòng hảo tâm của mọi người, mà trong đó có “rất đông” bạn bè quốc tế như Hatta Hideaki nói trong bức thông điệp trên NHK:

Thảm kịch vô tiền khoáng hậu ấy đã để lại thương tật và cướp đi mạng sống của rất nhiều cộng sự, những con người không thể thay thế của chúng tôi. Qua các bản tin, tôi được biết rằng đang có vô vàn những người bạn trên khắp năm châu cầu nguyện cho chúng tôi. Lòng hảo tâm của các bạn chính là ánh sáng soi đường cho chúng tôi vượt qua thời khắc đen tối nhất.

Lúc này đây trong bệnh viện, rất nhiều đồng nghiệp của tôi đang vật vã chiến đấu, giành lại sự sống cho chính họ. Và rất nhiều người khác đang phải oằn mình gánh chịu nỗi đau mất người thân.

Xin hãy cho chúng tôi thêm thời gian.

Bằng tất cả những gì đang có, Kyoto Animation sẽ tiếp tục chiến đấu để mang lại những tác phẩm anime nuôi dưỡng hoài bão, ước mơ, và làm lay động trái tim của tất cả mọi người trên thế gian. Để có thể hiện thực hóa niềm hạnh phúc của các đồng sự và nhân viên, và để tiếp tục cống hiến cho xã hội và cộng đồng, Kyoto Animation sẽ chiến đấu đến cùng bên những người bạn đã trìu mến giúp đỡ chúng tôi.

Tổng giám đốc Kyoto Animation Kabushikigaisha, Hatta Hideaki

Đạo làm người, hay bóc trần mặt hèn yếu của con người và phê phán sự tự mãn

Vu vơ rút ra mấy ý thực sự tâm đắc và thấm thía trong chương “Nhân cách” của Tsunetoshi Souzaburou, tháng 6 năm 1998.

I. Đừng cho rằng người khác không có quyền phê phán bạn vì bản thân họ cũng làm những việc đáng bị phê phán.

II. Đừng lấy những vấn đề đáng bị phê phán của người khác ra làm cái cớ để biện minh cho những việc làm đáng bị phê phán của chính bạn.

III. Đứng xem những điều mà người khác không làm được là thước đo để biện minh cho năng lực kém cỏi của chính bạn.

IV. Đừng lấy ví dụ sai lầm của người khác để khỏa lấp sai lầm của chính bạn.

V. Đừng nhìn người khác làm sai rồi tự cho rằng tất cả mọi người cũng được phép sai lầm như thế.

VI. Đừng dựa dẫm vào định kiến của tập thể để rồi không cố gắng hoàn thiện bản thân. Đừng vịn vào những ung nhọt xấu xa của thực tại xã hội để rồi bạt đi ý chí phấn đấu vì một xã hội hoàn thiện hơn. Đừng nhìn người khác không cố gắng rồi tự dặn lòng rằng mình đã làm đủ tốt rồi.

VII. Đừng mù quáng tin vào một chân lý do người khác chỉ vẽ, mà hãy linh hoạt làm những gì mà lương tâm không cắn rứt, vì sau cùng mọi chân lý của người khác có thể khiến bạn vỡ mộng.

VIII. Đừng tự mãn vì những gì bạn làm được trong khi vẫn còn hàng tá thứ khác bạn làm rất tệ mà nhiều người khác đều làm tốt hơn bạn.

IX. Đừng cười chê nỗi đau của người khác chỉ vì bạn đang sung sướng hơn họ. Đừng phủ nhận những bất công của người khác chỉ vì bạn may mắn chưa từng chịu bất công.

X. Đừng vì lợi ích trước mắt của tập thể mà chà đạp lên hạnh phúc của một cá nhân. Đừng xem nhẹ quyền lợi của một cá nhân để đổi lại vỏ ngoài hào nhoáng của tập thể.