Ukraina: Sự phản bội hạt nhân từ Nga


Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói vì Ukraina định sở hữu vũ khí hạt nhân nên Nga phải tấn công.

Cái cớ này khá trớ trêu. Ukraina nói muốn sở hữu vũ khí hạt nhân, thứ từng thuộc về họ cho đến năm 1994, chính vì Nga đã cướp bán đảo Krym và hậu thuẫn cho vùng lỳ khai Donbas, vi phạm trắng trợn lời hứa năm nào.

Ngày 5 tháng 12 năm 1994, Ukraina lúc bấy giờ là nước sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba thế giới, đã ký vào Giác thư Budapest giải trừ số vũ khí mang tính hủy diệt của mình và chuyển giao chúng cho Nga, để đổi lại sự cam kết an ninh của cả Nga, Hoa Kỳ và Anh ー các cường quốc hạt nhân ー rằng lãnh thổ của mình sẽ không bao giờ bị xâm phạm, cùng sự độc lập về chính trị và kinh tế. Cùng ký vào Giác thư Budapest còn có Kazakhstan và Belarus.

Đúng 20 năm sau, Nga phá vỡ cam kết Budapest, sát nhập bán đảo Krym vào nước mình và viện trợ cho lực lượng dân quân ly khai ở Donbas, xuất phát từ việc họ không muốn Ukraina độc lập về chính trị, hai trong số những điều kiện mà Nga từng cam kết năm xưa. Chua chát thay khi Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraina phải than thở rằng: “Giờ đây chúng tôi mất cả vũ khí hạt nhân lẫn an ninh.”

Càng chua chát hơn khi mới đây Belarus đã sửa đổi hiến pháp cho phép nước này tái sở hữu vũ khí hạt nhân và đang đòi Nga trả lại số vũ khí đó, điều mà Nga chắc chắn sẽ hưởng ứng do vị thế chư hầu của Belarus.

Rốt cuộc Ukraina, vì thân phương Tây, nên bị xâm lược vì ý định sở hữu vũ khí hạt nhân vốn từng thuộc về họ, và cũng vốn là con bài để họ mặc cả về an ninh và chính trị của chính mình. Giác thư Budapest với Nga bây giờ không khác gì cuộn giấy vệ sinh đã xài rồi.

Từ bài học của Ukraina, các nước đang sở hữu vũ khí hạt nhân có lẽ không bao giờ nên từ bỏ chương trình phát triển vũ trang của họ, vì an nguy dân tộc.