Tưởng niệm tròn 2 tháng sau thảm kịch Kyoto Animation

Các áp phích tưởng vinh danh anime của Kyoto Animation tại Bảo tàng Manga quốc tế Kyoto, được dựng lên sau thảm kịch.
(“Liz” từ Nishiya, và “Hibike! Euphonium” từ Ikeda).

Hôm nay là tưởng niệm tròn 2 tháng kể từ thảm kịch 18 tháng 7 ở studio 1 KyoAni.

Studio 1 không còn thấy bệ hoa viếng, nhưng thỉnh thoảng vẫn có những người mang từng bông hoa đến đặt xuống bên tường bao cách ly vừa dựng lên cách đây 1 tuần. Tòa nhà sẽ bị dỡ bỏ hoàn toàn sớm thôi, nhưng phải rất lâu nữa vụ việc này mới thật sự nguôi ngoai trong trái tim Nhật Bản.

Tên của tất cả những người chết và người bị thương đều xuất hiện trong danh đề của Violet Evergarden Gaiden vừa công chiếu, rất nhiều người đã bật khóc khi đến đoạn chạy chữ.

Người bị thương vẫn không có sự bảo đảm rằng đã phục hồi hoàn toàn về thể chất, chứ chưa nói đến sức khỏe tâm thần. Một số người đã phải vật lộn giữa sự sống và cái chết trong hơn 7 tuần.

Trong số tổn thất nhân mạng, nhiều người là trụ cột gắn bó với hãng phim hàng chục năm qua, và nhiều người khác còn rất trẻ, từng được kỳ vọng sẽ trở thành những “flagship” mới gánh vác tương lai của KyoAni. Các chuyên gia nhận định, mọi sự đầu tư về con người trong vòng ít nhất 3 thập kỷ của hãng phim xem như mất trắng.

Chính phủ trung ương và chính quyền tỉnh Kyoto đã tạo điều kiện cho hãng phim tái thiết bằng các định chế miễn giảm thuế đặc biệt, bao gồm miễn khấu trừ thuế từ các khoản quyên góp khi nó được chuyển vào tài khoản ngân hàng tỉnh. 2 tỷ 560 triệu yên đã được gửi vào tài khoản chỉ định của KyoAni từ đông đảo cá nhân (phần lớn ở độ tuổi đôi mươi) cả trong và ngoài nước, hoặc thông qua các tổ chức và nghiệp đoàn đối tác. Toàn bộ số tiền sẽ được chuyển vào tài khoản ngân hàng tỉnh vào ngày 20 tới.

KyoAni đã tuyên bố rằng tất cả các khoản quyên góp sẽ chỉ được sử dụng để hỗ trợ người nhà nạn nhân thiệt mạng và trang trải chi phí phục hồi cho người bị thương. Đồng nghĩa, việc tái thiết hãng phim về mặt cơ sở vật chất vẫn chưa có kế hoạch tiến hành cụ thể hoặc thông báo công khai.

Tôi cũng đã làm hết những gì mình có thể để hỗ trợ KyoAni. Khoản quyên góp có thể được dùng cho chăm sóc người bị nạn, nhưng việc mua các sản phẩm từ KyoAni có thể trực tiếp hỗ trợ việc tái thiết hãng phim.

Bên cảnh sự phân ưu đối với tất cả nhân viên KyoAni đã qua đời sau thảm kịch, tôi dành nỗi tiếc thương và lòng kính trọng đặc biệt hướng về Nishiya Futoshi và Ikeda Shoko, hai trong số những “diện mạo” của KyoAni, mà từ nay không cách nào nhìn thấy hình bóng qua những tác phẩm mới nữa. Hôm nay cũng tròn 2 tháng ngày mất của hai họa sĩ.

Về sự ra đi của Ikeda Shoko

Tôi nhẹ nhõm từ tận đáy lòng khi biết Ikeda Kazumi vẫn còn sống, nhưng đồng thời đau đớn khôn xiết khi tên người em gái tài hoa kiệt xuất của cô, Ikeda Shoko, được công bố (với sự cho phép của thân nhân).

Hai trong số những flagship làm nên “bộ mặt” của KyoAni, Nishiya Futoshi (Nichijou, Hyouka, Free!, Koe no Katachi, Liz to Aoi Tori) và Ikeda Shoko (Suzumiya Haruhi, Sound! Euphonium), đã không còn nữa.

Nghĩ đến nỗi đau của Ikeda Kazumi khi quay lại làm việc tại KyoAni, bởi di sản em gái cô để lại hiện hữu khắp nơi…. Đó là “nếu như” Ikeda vẫn có thể làm việc, vì không rõ tình trạng thương tật cũng như tâm lý của cô như thế nào.

Một lần nữa thành tâm cầu nguyện cho những người đã khuất, và cầu chúc những người bị thương nhanh chóng bình phục.

Quyển sách này giờ đây đã trở thành di sản vô giá. Nó tập hợp những bản vẽ và thiết kế cuối cùng của Ikeda Shoko.

Continue reading

Hơn một tháng sau thảm kịch KyoAni, vẫn không có tin tức về hai chị em Ikeda

Nỗi trăn trở về sự an toàn của hai chị em Ikeda (Ikeda Kazumi và Ikeda Shoko) vẫn chưa bao giờ nguôi, và đâu đó đã nghe thấy những lời than vãn đầy tuyệt vọng và ngày càng tuyệt vọng hơn.

Phong cách nghệ thuật đặc trưng của KyoAni nằm trong tay các flagship như Aratani Tomoe, Ikeda Kazumi, Ikeda Shoko, Nishiya Futoshi, Horiguchi Yukiko, Kadowaki Miku và tài năng mới Takase Akiko.

Aratani (AIR Munto) từ năm 2010 đã về làm việc tại Nintendo, Horiguchi (Lucky Star, K-ON!Tamako Market) đã rời khỏi KyoAni từ 2015.

Kadowaki (Kyoukai no Kanata, Amagi Brilliant Park, Kobayashi Maidragon, Tsurune) và Takase (Violet Evergarden) được xác nhận đã an toàn.

Nishiya (Nichijou, Hyouka, Free!, Koe no Katachi, Liz to Aoi Tori) đã tử nạn.

Ikeda Kazumi (Kanon, CLANNAD, Chuu2, Musaigen no Phantom World) và Ikeda Shoko (Suzumiya Haruhi, Sound! Euphonium), “mất tích”.

Thường người xem phim phổ thông quan tâm nhiều đến đạo diễn (thậm chí infobox Wikipedia tiếng Anh cũng không có mục dành cho “character design”, điều mà tôi hết sức bất mãn), nhưng nhà thiết kế nhân vật (đồng thời kiêm nhiệm chỉ đạo diễn hoạt) định hình ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên về tác phẩm, và cá nhân tôi thường sẽ dò tìm thông tin nhà thiết kế nhân vật trong danh sách staff trước nhất, sau đó mới xem xét các vị trí còn lại để đánh giá quy mô của dự án.

Nếu thiếu vắng những flagship này, cái nhìn trực quan về KyoAni hiển nhiên đã đổi khác hoàn toàn. Những tác phẩm mà chúng ta trân quý, những nhân vật moe đến tan chảy trái tim đã làm nên thương hiệu của KyoAni… đều không còn nữa. Ý tôi là, không gì thay thế được các tác phẩm nghệ thuật của họ, và sau những gì đã qua, lại càng thấm thía ý nghĩa vô giá từ chúng…

Thử tưởng tượng, sẽ buồn thảm biết mấy khi xem những bức họa của người đã khuất trên màn ảnh, mà chỉ mới đây thôi vẫn tràn đầy sự lạc quan, sinh động và duyên dáng đến vô tận…

Tôi vẫn không muốn tin rằng một chuyện như thế đã xảy đến với những con người tài hoa xuất chúng nhường ấy. Và, vì KanonCLANNAD là hai tác phẩm đã làm nên con người tôi bây giờ, cảm giác lúc này khó có thể tìm ra từ ngữ nào tả xiết. Đó là lý do tôi vẫn mong ngóng từng ngày các thông báo mới về “người đã an toàn”, mà cứ lo sợ rằng sẽ không bao giờ được biết sau 1 tháng dài chờ đợi.

Key quyên góp 10 triệu yên cho KyoAni

Nếu thực sự việc kinh doanh của Key đang gặp trục trặc, thì 10 triệu yên là một con số lớn để nói lên tình cảm chân thành mà Key chia sẻ với KyoAni, thậm chí khi hai công ty (không bao gồm quan hệ doanh nghiệp của công ty mẹ) đã gần như không còn liên kết hơn 10 năm (mà vốn xuất phát từ chính KyoAni, khi họ từ chối chuyển thể Little Busters! dù Key đã ngỏ ý).

Cũng phải lặp lại rằng, Key là công ty duy nhất trong ngành công nghiệp bishoujo game (một phần của công nghiệp nội dung mà KyoAni cũng thuộc về) đã trực tiếp lên tiếng về thảm kịch 18 tháng 7 bằng các thông điệp chính thức nhất, và với việc quyên góp con số rất lớn lên đến 10 triệu yên (ngang bằng khoản quyên góp cá nhân của YOSHIKI, bất chấp tài chính eo hẹp theo các báo cáo gần đây), thật sự cảm động vô cùng.

Bây giờ sau khi đã quyên góp cho KyoAni, và đã biết về hoàn cảnh của Key khi quyên góp 10 triệu yên, hãy ủng hộ Summer Pockets bằng tất cả khả năng, hãy mua nhiều hơn một bản vật lý và đón nhận nó trên tất cả các nền tảng console và di động đang có và sau này.

“Hãy bảo vệ hai công ty dạy chúng ta làm người.”, tiếng nói từ Twitter.

Thú vị khi đọc thấy nhiều phản hồi quan tâm như “Có sao không khi quyên góp những 10 triệu yên…?”

Đó là những suy nghĩ rất chân thực từ những người hiểu gánh nặng của Key và chắc chắn là thật sự quan tâm đến công ty.

Trên thực tế, có lẽ mọi người đều ngầm hiểu là, Key sẽ ra đi trước KyoAni.

Cầu nguyện

Đã xác nhận danh tính của một nạn nhân thiệt mạng sau thảm kịch 18 tháng 7 ở KyoAni. Mainichi Shimbun tiết lộ thông tin này dù nó trái với ý nguyện của giám đốc Hatta Hideaki.

Người này đã tham gia sản xuất cả ba anime Key, nhưng đáng chú ý hơn cả là thiết kế màu sắc cho series Suzumiya Haruhi, và Hyouka.

Để dành sự tôn trọng tối đa, như với rất nhiều người đang đưa tin về KyoAni sang nhiều ngôn ngữ khác nhau, tôi cũng sẽ không viết thẳng ra tên của nạn nhân. Hãy kiểm tra Mainichi Shimbun.

Từ tận đáy lòng, cầu mong linh hồn […] được an nghỉ

Suy nghĩ cá nhân về việc quyên góp KyoAni

Có một “truyền thống ngầm” là các công ty Nhật Bản sẽ không nhận trực tiếp các khoản quyên góp, hoặc không thông báo chính thức về việc quyên góp mà chỉ thông qua một nghiệp đoàn lớn hơn hoặc tổ chức trung gian. Ví dụ với ngành công nghiệp anime, đó có thể là AJA hoặc JAniCA.

Không nhớ rằng đã có công ty nào cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự KyoAni để rồi sau đó từ chối các khoản quyên góp hay không, nhưng với bản chất của các doanh nghiệp Nhật Bản thì, nếu thật sự xảy ra cũng không lạ gì.

Có một số mối hoài nghi rằng KyoAni sẽ “từ chối” nhận quyên góp, nó ít nhiều ảnh hưởng đến quyết định gây quỹ. Tại Nhật Bản, Animate đã đi đầu trong gây quỹ quần chúng với tất cả cừa hàng trên toàn quốc (và cả ở chi nhánh Đài Loan, tiếc rằng đã bị cản trở). Ở nước ngoài, Sentai Filmworks qua GoFundMe đã gây quỹ hơn 215 triệu yên.

KyoAni đã thông báo về việc mở tài khoản ngân hàng nhận tiền quyên góp, và bài báo về nó cũng đề cập đến hơn chục công ty cả trong và ngoài nước đang gây quỹ, chắc chắn có bao gồm Animate và Sentai Filmworks. Như vậy nó đã dẹp tan mối hoài nghi về việc từ chối nhận quyên góp.

Việc KyoAni trực tiếp nói về việc gây quỹ, vốn là một điều khá hiếm hoi với các công ty Nhật Bản, có thể giải thích (?) là KyoAni đang muốn đáp lại lòng hảo tâm của mọi người, mà trong đó có “rất đông” bạn bè quốc tế như Hatta Hideaki nói trong bức thông điệp trên NHK:

Thảm kịch vô tiền khoáng hậu ấy đã để lại thương tật và cướp đi mạng sống của rất nhiều cộng sự, những con người không thể thay thế của chúng tôi. Qua các bản tin, tôi được biết rằng đang có vô vàn những người bạn trên khắp năm châu cầu nguyện cho chúng tôi. Lòng hảo tâm của các bạn chính là ánh sáng soi đường cho chúng tôi vượt qua thời khắc đen tối nhất.

Lúc này đây trong bệnh viện, rất nhiều đồng nghiệp của tôi đang vật vã chiến đấu, giành lại sự sống cho chính họ. Và rất nhiều người khác đang phải oằn mình gánh chịu nỗi đau mất người thân.

Xin hãy cho chúng tôi thêm thời gian.

Bằng tất cả những gì đang có, Kyoto Animation sẽ tiếp tục chiến đấu để mang lại những tác phẩm anime nuôi dưỡng hoài bão, ước mơ, và làm lay động trái tim của tất cả mọi người trên thế gian. Để có thể hiện thực hóa niềm hạnh phúc của các đồng sự và nhân viên, và để tiếp tục cống hiến cho xã hội và cộng đồng, Kyoto Animation sẽ chiến đấu đến cùng bên những người bạn đã trìu mến giúp đỡ chúng tôi.

Tổng giám đốc Kyoto Animation Kabushikigaisha, Hatta Hideaki

Tôi muốn biết về sự an toàn của Ikeda Kazumi

Ít nhất đạo diễn Ishihara vẫn có manh mối để nói rằng ông đã an toàn, nhưng Ikeda Kazumi thì sao?

Nữ họa sĩ đã thiết kế nhân vật cho KanonCLANNAD mà vẫn giữ những nét đặc trưng nguyên tác của Hinoue-sensei, chất “Key” của frog-sensei không bị mất đi, là người truyền tải “itaru-e” hoàn hảo nhất trên màn ảnh (cùng với Aratani Tomoe đã thiết kế AIR, và Tanaka Motoki thiết kế OP2 của Rewrite nguyên tác).

Người mà một thời tôi cầu nguyện bao nhiêu lần sẽ tiếp tục hoạt họa nét vẽ của Hinoue-sensei (tiếc là nó đã không bao giờ xảy ra, cả Little Busters!Rewrite đều không do KyoAni thực hiện)…

Bù lại khi biết Ikeda Kazumi đảm nhận vai trò này với Chū-2, tôi vẫn hạnh phúc theo dõi bộ phim, một phần quan trọng chính là nhờ thiết kế nhân vật, man mác gợi lại chút gì đó thuộc về một giấc mơ đã không bao giờ trở thành sự thật.

20 Seiki Denki Mokuroku đã có thông báo anime, tôi mong mỏi biết mấy sẽ lại thấy nét vẽ của Ikeda Kazumi trên màn ảnh. Giờ phim không thể thực hiện được nữa, còn người thì đã ở đâu rồi. Càng nhiều ngày trôi qua nỗi bất an này càng lớn dần lên, rất nhiều người đang mong ngóng tin tức của Ikeda Kazumi.

Làm ơn, xin hãy bình an.

Ba ngày sau thảm kịch Kyoto Animation…

Sau ba ngày ngồi nhà theo dõi các tin tức chính thống lẫn phi chính thống về vụ thảm sát Kyoto Animation, đến hôm nay ra bên ngoài, tôi mới thực sự thấu cảm sâu sắc về “cái quái gì đang xảy ra tại đất nước này”.

Tôi đã đến Fujisawa và vào chi nhánh Animate tại đó quyên góp hỗ trợ hãng phim. Hadano không có chi nhánh của Animate, và chuyến đi này cũng nhằm sửa chiếc laptop hỏng bàn phím. Tôi đã hẹn một vài người bạn kagikko cùng đi với mình.

Bạn nghe về sự việc trên khắp các phương tiện đại chúng, từ TV, nhật báo, radio, internet đến cả loa phát thanh. Những người bạn quen nói về nó hàng giờ, và vô vàn lời tiếc thương, chia buồn xuất hiện khắp mọi nơi, đẩy tâm trạng của người đứng trong vòng xoáy hỗn loạn thêm bất an. TV liên tục nói rằng đây là một vụ trọng án khủng khiếp nhất và tàn ác nhất, nhiều người đã so sánh nó với vụ khủng bố hệ thống tàu điện ngầm Tokyo năm 1995 bằng khí độc sarin, để lại hệ lụy và dư âm nặng nề ăn sâu vào tiềm thức người Nhật Bản suốt gần 25 năm qua. Càng nhiều người nổi tiếng và người quen bày tỏ sự xót xa càng khiến bạn thêm u sầu, càng đau buồn hơn khi tình cảm với những người bị hại chất chứa trong bạn không hề ít hơn người khác.

Thoạt đầu đó là một loại cảm thức mơ hồ, đến từ nỗi buồn cá nhân và bầu không khí căng thẳng xung quanh. Thông tin về những mất mát, người chết, người bị thương đa phần là các số liệu chung chung và những lời đồn đoán nhiều khi phi căn cứ, nhưng nó ngấm dần từng chút một, khó mà xua đi cái suy nghĩ rằng: những người mà đến giờ vẫn bặt vô âm tín, thật sự đã lành ít dữ nhiều. Tạm gác những phức cảm mà phần nhiều là bất an ấy sang bên, đi ra ngoài và trực tiếp quan sát thái độ xã hội lại khiến tôi thấm thía hơn rất nhiều cái cảm giác bi thương này.

Khi nhìn thấy hộp quyên góp của Animate và hàng người đứng trước nó đợi đến phiên mình, bất giác một ý nghĩ quen thuộc suốt mấy ngày qua lại nháng lên đầu tôi “A, một chuyện như thế đã thật sự đã xảy ra, đã có quá nhiều người chết ở KyoAni, nơi sản sinh ra anime Kanon, AIRCLANNAD, và chắc chắn không một ai khác ngoài họ đủ khả năng làm nên những tuyệt tác màn ảnh này.” Càng trân quý những tác phẩm này bao nhiêu thì càng tôn kính những con người đã góp phần tạo ra nó bấy nhiêu.

Vậy mà chuyện như thế lại xảy ra với họ. Họ đau đớn ra sao trước khi chết, họ đã trải qua bi kịch khủng khiếp đến nhường nào, và những người bị thương đang phải chịu đựng thống khổ đến đâu? Hình dung ra khung cảnh đó trên cơ sở những mẩu tin và lời tường thuật, không khỏi khiến tôi rùng mình trước sự tàn nhẫn của hung thủ, và vì cả sự thương cảm khi ngậm ngùi hồi tưởng lại những công trình, tác phẩm đã ăn sâu vào tâm khảm.

Tôi thấy một người tay run run khi đến lượt mình quyên góp, tôi cũng nghe ở đâu đó lời cảm thán rằng “KyoAni nên được chứng nhận là bảo vật quốc gia của Nhật Bản”. Mất mát của KyoAni không chỉ tác động sâu sắc đến toàn ngành công nghiệp nội dung, mà còn là nhát dao cứa thẳng vào trái tim của nước Nhật Bản, nhất là khi vụ thảm án Kawasaki ngay vào buổi đầu triều đại mới vẫn chưa thật sự lắng xuống. Đối với người không quá đặt nặng tình cảm vào những tác phẩm của KyoAni, sự việc này vẫn là một cái gì đó “rất khủng khiếp”, đến rung chuyển tâm can. Vụ khủng bố đường tàu điện ngầm 1995 và trận đại động đất Hanshin cùng năm đó, có lẽ cũng có sức ám ảnh tương tự như một hiệu ứng dây chuyền, chúng làm tổn thương sâu sắc xã hội và tinh thần Nhật Bản (như được miêu tả một phần trong hai tác phẩm kinh điển của Murakami Haruki). Vụ việc này tại Kyoto Animation chắc chắn sẽ tốn không ít giấy mực dành cho các phân tích xã hội trong một thời gian rất dài, và một sự tác động tương tự các thảm họa 1995 cũng đã được dự báo trước.

Đây là lần thứ hai tôi thực sự cảm nhận rõ nét bầu không khí tang tóc của Nhật Bản, lần đầu là đại thảm họa Tohoku, và trớ trêu thay lần thứ hai lại liên quan trực tiếp đến những gì mà tôi đã theo đuổi và ngưỡng mộ gần nửa cuộc đời mình. Khi đến lượt mình quyên góp, lần đầu tiên tôi thật sự nghẹn ngào trong suốt ba ngày dõi theo từng dòng tin tức. Có lẽ khi trực tiếp làm một việc với tâm thế nửa khao khát nửa hạnh phúc được góp chút sức lực nhỏ nhoi cho những gì mình tôn kính, thì sẽ cảm thấy như thế chăng? Chắc là không đâu, vì khi ra ngoài và nghe tiếng ve sầu rả rích, tôi lại ứa nước mắt một lần nữa. Có lẽ lúc bấy giờ tôi mới thấm thía hơn bao giờ hết lời phân ưu (mà gần như là than thở với ông trời) của đạo diễn Tatsuki: “Những con người [đã cống hiến vô tận thời gian cho vô tận niềm hạnh phúc của hàng vạn, hàng triệu con người], cớ làm sao phải chịu một cái kết đau khổ và bi thương nhường ấy.”

Hè đã về, ve sầu kêu mà thực ra lại đang khóc.