Những ngày cuối năm Bình Thành thứ 30, tản mạn về một triều đại sắp hết

Tôi chỉ đơn giản là đăng lại bài viết trên Facebook cá nhân của mình.

NHK phóng sự, và cảm nhận.

Với phần còn lại của thế giới, bước sang năm 2019 không có gì đặc biệt (hay ít nhất là so với bước sang năm 2020), nhưng với Nhật Bản đây là một trong những thời khắc trọng đại nhất. Triều đại Heisei với bao thăng trầm của nó sẽ kết thúc và đây là mùa đông cuối cùng. Cũng như người ta đã kỷ niệm mùa hè và mùa thu cuối cùng, mùa đông cuối cùng là lúc để hoài nhớ và suy ngẫm về 30 năm qua của mỗi người dân Nhật Bản.

30 năm Heisei đã mở đầu bằng “Thập kỷ mất mát” và làm chuyển biến sâu sắc xã hội Nhật Bản. Bi quan cùng cực về suy thoái kinh tế phủ bóng đen lên đất nước suốt 10 năm đầu và 10 năm tiếp theo đầy rẫy khó khăn. Sức ảnh hưởng kinh tế của Nhật Bản trên thế giới đã giảm đi đáng kể và đánh mất “vĩnh viễn” cơ hội trở thành siêu cường như người ta kỳ vọng vài năm trước đó. Cho đến tận bây giờ đất nước vẫn đang cố gắng bước từng bước phục hồi trong cẩn trọng với nhiều ưu tư và lo lắng. Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nhật Bản bị xem là đã “đánh mất cơ hội cạnh tranh sòng phẳng” với các quốc gia khác, do các chính sách lỗi thời và cứng nhắc. Sau khi triều đại mới mở ra, những gì đất nước cần làm là lấy lại tính “khiêm tốn” với tâm tưởng “muốn đuổi theo và bắt kịp” các nước khác.

Thời kỳ Heisei trải qua 3 thảm họa kinh thiên động địa, đầu tiên là cơn đại địa chấn Hanshin (hay Động đất Kobe) làm chết gần 6.500 người ở Hyogo, và liền sau đó là vụ khủng bố khí độc Sarin trong hệ thống tàu điện ngầm Tokyo, đều diễn ra trong năm 1995. Những cú sốc liên tiếp này giáng một đòn mãnh liệt vào tâm tưởng người Nhật, và nó vẫn là vết thương không thể xóa đi trong lòng xã hội Nhật Bản đến tận những năm cuối cùng của thời đại này, như nhà văn lớn Murakami Haruki bày tỏ trong hai cuốn tiểu thuyết của ông. Tháng 3 năm 2011, Đại thảm họa Động đất-Sóng thần-Hạt nhân Tohoku không chỉ cướp đi sinh mạng của hơn 16.000 người mà còn làm kiệt quệ nền kinh tế vùng đông bắc đất nước. Sau gần 8 năm tái thiết, khu vực này vẫn chưa thể bình phục, một phần các thị trấn vẫn tan hoang và là một nơi “bị kỳ thị”, đặc biệt là với các quốc gia nhập khẩu nông và thủy sản từ Tohoku. Thảm họa này và trận động đất Kumamoto vài năm sau đó càng làm cho tốc độ hồi phục kinh tế của Nhật Bản thêm trì trệ, chưa kể các hệ lụy xã hội to lớn khác. Những trận mưa lớn kỷ lục gây ngập lụt và sạt sở toàn miền tây và tây nam đầu năm nay có lẽ là thiên tai đáng chú ý cuối cùng của thời kỳ Heisei.
Continue reading