“Tenki no Ko” chuẩn bị công chiếu tại Ấn Độ

Màn hình trang thỉnh nguyện của người hâm mộ Ấn Độ vào giai đoạn vượt 55 ngàn chữ ký!

Shinkai Makoto sẽ tham dự buổi ra mắt Tenki no Ko tại Ấn Độ vào ngày 11 tháng 10 tới.

Đây là original anime đầu tiên được mang về chiếu tại Ấn Độ, nơi vốn không có văn hóa xem hoạt hình trong rạp chiếu phim, và vinh hạnh là phim Nhật Bản thứ ba được chọn chiếu tại nước này. Trước Tenki no Ko, chỉ có Manbiki Kazoku (Cành cọ vàng 2018) và Dragon Ball Super Broly được phép ra rạp tại Ấn Độ.

Dự kiến Tenki no Ko sẽ chiếu tại hơn 20 thành phố lớn tại Ấn Độ, bao gồm New Delhi và Mumbai.

Để đạt được kết quả như trên là một quá trình “đấu tranh” gian lao của cộng đồng người hâm mộ anime tại Ấn Độ. Hồi tháng 4, một chiến dịch thỉnh nguyện trực tuyến đã thu về hơn 55.000 chữ ký bày tỏ mong muốn Tenki no Ko có thể về Ấn Độ, điều mà Kimi no Nawa. đã không làm được. Tiếng lòng của người hâm mộ đến tai đạo diễn Shinkai Makoto, và nhà phân phối Toho, qua các tweet hưởng ứng. Đáp lại nguyện vọng của họ, Toho trao quyền phát hành phim tại Ấn Độ cho Vkaao.

Tôi không hiểu lắm về văn hóa phim ảnh tại Ấn Độ, nhưng nhìn vào sự khó khăn trong việc chiếu một anime, hy vọng là phiên bản Tenki no Ko tại đó không bị kiểm duyệt.

Tenki no Ko sẽ được chiếu tại 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trước khi phát hành đĩa. Hiện tại nó chỉ mới chu du trên dưới 10 nước, tôi tự hỏi không biết đến khi nào mới được xem BD tại nhà.

Sau Ấn Độ, Tenki no Ko sẽ “cập bến” Hàn Quốc và Nga, cùng vào ngày 31 tháng 10.

(Mặc dù có vẻ người Ấn Độ rất quan tâm Tenki no Ko, tại sao không có bài viết về nó trên Wikipedia tiếng Hindi? ww.

Thật sự mừng thay cho các fan Ấn Độ.)

“Tenki no Ko” giữa tâm điểm “phong trào bài trừ hàng hóa Nhật Bản” tại Hàn Quốc

Áp phích chính thức tại Hàn Quốc.
© 2019 “Tenki no Ko” Production Committee

Đây là phần tiếp theo cùng chủ đề, xem phần trước tại: Tương lai của anime như “Tenki no Ko” tại Hàn Quốc.

Media Castle, công ty cấp quyền phân phối Tenki no Ko tại Hàn Quốc, thông báo rằng phim sẽ được công chiếu rộng rãi vào ngày 30 tháng 10, muộn hơn Nhật Bản ba tháng.

Trước tiên phải nhấn mạnh, mối quan tâm từ công luận Hàn Quốc dành cho Tenki no Ko không hề nhỏ, bắt nguồn từ danh tiếng của Shinkai Makoto sau Kimi no Nawa. Báo cáo ghi nhận đã có nhiều lượt người Hàn Quốc nhập cảnh Nhật Bản trong những tuần đầu Tenki no Ko khởi chiếu, do không thể đợi xem phim tại chính nước mình.

Kimi no Nawa. đã trở thành một hiện tượng điện ảnh tại Hàn Quốc. Trong số những quốc gia bị phim này khuấy động phòng vé năm 2016-2017, Hàn Quốc là nơi người ta chứng kiến sự ủng hộ cuồng nhiệt nhất với các hoạt động quảng bá và ảnh hưởng truyền thông kèm theo khoa trương không kém gì Nhật Bản. Nó trở thành phim Nhật Bản ăn khách nhất tại Hàn Quốc, với hơn 3,7 triệu khán giả. Đến các ấn phẩm bổ sung của Kimi no Nawa. như tiểu thuyết hay CD nhạc cũng làm mưa làm gió thị trường xuất bản Hàn Quốc suốt một thời gian dài. Rất khó để một tác phẩm Nhật Bản gây được sức ảnh hưởng như thế tại một quốc gia như Hàn Quốc, vốn có ngành công nghiệp giải trí phát triển cực kỳ mạnh và xu hướng ủng hộ sản phẩm quốc nội là thượng tôn, xét thêm hoàn cảnh quan hệ hai nước.

Nó phần nào giải thích lý do người Hàn Quốc rất quan tâm đến Tenki no Ko, bởi cái bóng quá lớn của Kimi no Nawa., nhưng chỉ thế thôi thì chưa đủ.

Thực tế là, Tenki no Ko ra đời ngay tâm điểm “phong trào bài trừ hàng hóa Nhật Bản” (Nhật Bản Bất Mãi Vận Động) lan tỏa mạnh mẽ tại Hàn Quốc, kể từ tháng 7. Tại sao lại có phong trào này thì đã đề cập trong kỳ 1, nhưng có lẽ hầu hết mọi người đều đã biết.

Tenki no Ko vốn dự định ra rạp tại Hàn Quốc vào đầu tháng 10, nhưng lịch chiếu đã phải hoãn lại khi xu hướng tẩy chay các văn hóa phẩm Nhật Bản cũng dần trở nên cực đoan và ngày càng mở rộng phạm vi ảnh hưởng.

Phát ngôn viên của Media Castle cho biết, phim đã phải dời lịch chiếu trễ hơn 1 tháng so với kế hoạch ban đầu do lo ngại từ tác động xã hội, đồng thời gửi lời xin lỗi người hâm mộ.

Tâm lý bài Nhật đã nổi lên từ tháng 7, ban đầu chỉ gây ảnh hưởng lên ngành du lịch, sau đã trực tiếp tác động đến các “văn hóa phẩm nhạy cảm”. Media Castle đã phải cân nhắc kỹ lưỡng trước mỗi hoạt động quảng bá Tenki no Ko, do có thể phát sinh những hệ quả khó lường giữa bầu không khí xã hội căng thẳng như thế.

Hai phim anime franchise hàng đầu trước đó, Eiga Conan 23 (Konjou no Fist) và Eiga Doraemon 39 (Nobita no Getsumen Tansaki), đã thấm đòn đau tại Hàn Quốc. Conan có chưa tới 200.000 khán giả, còn Doraemon thậm chí bị hoãn vô thời hạn (gần như đồng nghĩa hủy chiếu).

Trước đó, đã có một số luồng quan điểm trái chiều về Tenki no Ko trên các diễn đàn mạng Hàn Quốc. Những bình luận phân cực như “thật sự muốn xem thì hãy xem, còn không thì khỏi”, “hãy cân nhắc kỹ”, “chỉ có bọn cuồng Nhật mới xem” nhan nhản trên Internet.

“Chúng tôi chỉ mong rằng Tenki no Ko, bộ phim khắc họa một thế giới mới của đạo diễn Shinkai Makoto, sẽ có thể truyền tải linh hồn nguyên bản của tác giả về lý tưởng sống hết mình cho tuổi trẻ, qua đó mang lại cho khán giả những cảm xúc không thể nào quên.”, đó là những lời gửi gắm từ Media Castle.

Lò đốt rác Toshima trong “Tenki no Ko”


Nếu được hỏi, cảnh quan công trình khiến bạn ấn tượng nhất trong Tenki no Ko là gì? Đối với tôi, đó không phải là Yoyogi Kaikan (nơi Hina kết nối với bầu trời), không phải là NTT Docomo Tower (địa điểm yêu thích của Shinkai Makoto), cũng không phải là Roppongi Hills Mori Tower (nơi Hina cầu nắng cho đại hội pháo hoa Thần Cung Ngoại Uyển).

Khi ba đứa trẻ non nớt, không nơi nương tựa, không người chở che, đương đầu với số phận của chúng vì một lòng tha thiết được ở cùng nhau, lang thang dưới tiết trời giông tố khắc nghiệt, lạnh lẽo thê lương như chính thái độ dửng dưng của người đời, rồi vô tình bước lên cây cầu vượt đường sắt Ikebukuro. Trong một cảnh trên cầu, ta quan sát được cột ống khói cao chót vót (210m) của Lò đốt rác Toshima.

Lò đốt rác Toshima xem qua Google Earth. Vùng khoanh đỏ là nơi các nhân vật từng đi ngang qua.

Khung cảnh tuyết rơi lạnh cóng giữa mùa hè, trên nền nhạc “Manatsu no Yuki”, nổi bật nhất là 6 cụm đèn đỏ dọc theo công trình kỳ dị, thực khiến tôi cảm nhận sâu sắc bầu không khí lúc đó của Tokyo, ngồi trong rạp mà cũng rét run vì cái lạnh mơ hồ, và vì thương và lo cho ba đứa trẻ. Tôi không thể và cũng không biết cách giải thích, tại sao hình ảnh cột ống khói Toshima lại gây tác động lên mình mạnh đến thế, nhưng giữa một nhịp độ phim dồn dập tình tiết, trường đoạn này là các cảnh “bán tĩnh” hiếm hoi làm người ta phải suy ngẫm.

Lò đốt rác Toshima có cột ống khói cao nhất thế giới, nhưng ngoài tôi và một số người cùng cảm nhận đã biết ra, chắc chẳng mấy ai chú ý đến nó đâu.

Còn với những người là fan của Shinkai Makoto, hẳn cũng từng biết đến cột ống khói này trong Kumo no Mukou, Yakusoku no Basho, bởi vì nó chính là nguyên mẫu của “tòa tháp Liên bang” trong phim. Nghĩ như vậy lại thấy ở cột ống khói toát ra một “cảm hứng” nào đó ảnh hưởng lên Shinkai w.

“Quý ngữ” của các tác phẩm Key

Viết lại có sửa chữa, các “quý ngữ” chính thức của Key:

Kanon là「奇跡」(phép màu)
AIR là「芸術」(nghệ thuật)
CLANNAD là「人生」(cuộc sống)
Little Busters! là「友情」(tình bạn)
Angel Beats! là「青春」(thanh xuân)
Rewrite là「哲学」(triết học)
Summer Pockets là「想い」(cảm xúc)

Tưởng niệm tròn 2 tháng sau thảm kịch Kyoto Animation

Các áp phích tưởng vinh danh anime của Kyoto Animation tại Bảo tàng Manga quốc tế Kyoto, được dựng lên sau thảm kịch.
(“Liz” từ Nishiya, và “Hibike! Euphonium” từ Ikeda).

Hôm nay là tưởng niệm tròn 2 tháng kể từ thảm kịch 18 tháng 7 ở studio 1 KyoAni.

Studio 1 không còn thấy bệ hoa viếng, nhưng thỉnh thoảng vẫn có những người mang từng bông hoa đến đặt xuống bên tường bao cách ly vừa dựng lên cách đây 1 tuần. Tòa nhà sẽ bị dỡ bỏ hoàn toàn sớm thôi, nhưng phải rất lâu nữa vụ việc này mới thật sự nguôi ngoai trong trái tim Nhật Bản.

Tên của tất cả những người chết và người bị thương đều xuất hiện trong danh đề của Violet Evergarden Gaiden vừa công chiếu, rất nhiều người đã bật khóc khi đến đoạn chạy chữ.

Người bị thương vẫn không có sự bảo đảm rằng đã phục hồi hoàn toàn về thể chất, chứ chưa nói đến sức khỏe tâm thần. Một số người đã phải vật lộn giữa sự sống và cái chết trong hơn 7 tuần.

Trong số tổn thất nhân mạng, nhiều người là trụ cột gắn bó với hãng phim hàng chục năm qua, và nhiều người khác còn rất trẻ, từng được kỳ vọng sẽ trở thành những “flagship” mới gánh vác tương lai của KyoAni. Các chuyên gia nhận định, mọi sự đầu tư về con người trong vòng ít nhất 3 thập kỷ của hãng phim xem như mất trắng.

Chính phủ trung ương và chính quyền tỉnh Kyoto đã tạo điều kiện cho hãng phim tái thiết bằng các định chế miễn giảm thuế đặc biệt, bao gồm miễn khấu trừ thuế từ các khoản quyên góp khi nó được chuyển vào tài khoản ngân hàng tỉnh. 2 tỷ 560 triệu yên đã được gửi vào tài khoản chỉ định của KyoAni từ đông đảo cá nhân (phần lớn ở độ tuổi đôi mươi) cả trong và ngoài nước, hoặc thông qua các tổ chức và nghiệp đoàn đối tác. Toàn bộ số tiền sẽ được chuyển vào tài khoản ngân hàng tỉnh vào ngày 20 tới.

KyoAni đã tuyên bố rằng tất cả các khoản quyên góp sẽ chỉ được sử dụng để hỗ trợ người nhà nạn nhân thiệt mạng và trang trải chi phí phục hồi cho người bị thương. Đồng nghĩa, việc tái thiết hãng phim về mặt cơ sở vật chất vẫn chưa có kế hoạch tiến hành cụ thể hoặc thông báo công khai.

Tôi cũng đã làm hết những gì mình có thể để hỗ trợ KyoAni. Khoản quyên góp có thể được dùng cho chăm sóc người bị nạn, nhưng việc mua các sản phẩm từ KyoAni có thể trực tiếp hỗ trợ việc tái thiết hãng phim.

Bên cảnh sự phân ưu đối với tất cả nhân viên KyoAni đã qua đời sau thảm kịch, tôi dành nỗi tiếc thương và lòng kính trọng đặc biệt hướng về Nishiya Futoshi và Ikeda Shoko, hai trong số những “diện mạo” của KyoAni, mà từ nay không cách nào nhìn thấy hình bóng qua những tác phẩm mới nữa. Hôm nay cũng tròn 2 tháng ngày mất của hai họa sĩ.

Itomori là thị trấn hay làng?

© 2016 “Kimi no Nawa.” Production Committee

Các anh bạn Đài Loan có vẻ rất dễ dãi trong việc điều hành Wikipedia tiếng Hoa (tất nhiên không thể nào là “Hoa Lục” ww.): https://zh.wikipedia.org/wiki/糸守町

Họ chấp nhận bài viết một thị trấn hư cấu như Itomori, và được viết rất chuyên nghiệp (chất lượng “good article” hay GA), không thua gì một đơn vị hành chính có thật ở Nhật Bản.

Nhưng tôi nghĩ nó vẫn rất có tiềm năng, vì tiểu hành tinh 2002 SS24 đã được đặt tên là 113405 Itomori, lấy từ chính “Itomori” này.

Nhân tiện, lần đầu xem Kimi no Nawa., vốn là một người quan tâm đặc biệt đến địa lý hành chính quốc gia, tôi đã thắc mắc: tại sao một vùng dân cư thưa thớt và yếu kém về sơ sở hạ tầng như Itomori lại có thể là một “thị trấn” (machi) ở Gifu? Khi đọc tiểu thuyết, biết rằng dân số của Itomori chỉ vỏn vẹn 1.500 người, còn ít hơn dân của rất nhiều “làng” (mura), tôi lại càng thấy khó hiểu.

Theo pháp lệnh về quy hoạch đô thị của tỉnh Gifu, dân cư tối thiểu phải là 5.000 để được công nhận là thị trấn, còn không nó chỉ có thể là làng. Nhưng Itomori được mô tả là đã qua sát nhập nhiều ngôi làng từ cuối thời Minh Trị, tôi tự hỏi làm sao mà nó chỉ có bấy nhiêu dân?

Khu vực tương đương với tọa độ địa lý của Itomori ở Gifu trên bản đồ, từng là thị trấn Kamioka, cho đến khi nó sát nhập với thị trấn Furukawa, làng Miyagawa và làng Kawai để trở thành thành phố Hida vào năm 2004. Kamioka lúc bấy giờ có hơn 10.000 dân.

Khi vào thư viện tỉnh Kanagawa để tìm các tài liệu ghi chép về lịch sử hình thành tỉnh Gifu, tôi thấy vào trước năm 2000, pháp lệnh đô thị của Gifu cho phép một thị trấn có tối thiểu 1000 dân. Có phải Shinkai Makoto đã tham khảo pháp lệnh này để thiết lập Itomori?

Cũng không loại trừ một khả năng, Itomori từng có trên 5000 dân, được công nhận là “thị trấn” rồi vì lý do nào đó mà xảy ra di cư hàng loạt lên các đô thị, dẫn đến sự thưa thớt vào thời điểm tháng 10 năm 2013.

Cập nhật thành tích phòng vé của “Tenki no Ko”, và một chút trải lòng về bộ phim

Tenki no Ko vừa vượt qua Conan Movie 22, trở thành phim anime có doanh thu cao thứ 12 toàn cầu. Con số này sẽ còn tăng nhiều bởi phim vẫn chưa được chiếu rộng rãi trên các châu lục.

Đối thủ cần vượt qua phía trên nó là là tân binh Dragon Ball Super: Broly vừa công chiếu năm 2018, tuy được hưởng lợi thế từ top 3 franchise nhưng không hề đáng gờm.

Và sau đó là cựu binh Pokémon Movie 2 từ 1999, dự kiến cũng sẽ không mấy khó khăn.

Khi đã vào top 10, Tenki no Ko sẽ lần lượt đụng độ với các huyền thoại của Studio Ghibli, là một thử thách thật sự và chắc chắn không dễ dàng như Kimi no Nawa.

Dù sao tôi hy vọng Tenki no Ko có thể tiến xa hơn một chút nữa, để đỉnh vinh quang của nó cũng phần nào tô đậm thêm sự hào nhoáng cho tên tuổi của Shinkai Makoto, và tất nhiên là cho những gì nó xứng đáng được nhận (cả ở khía cạnh marketing).

Nhưng hiện tại, chỉ có thể đoán rằng nó sẽ dừng chân ở vị trí thứ 10.

Bên dưới là một vài lời tản mạn đêm khuya khác:

Thật lạ khi đây là lần đầu tiên bản thân dành sự quan tâm về mức độ thành công doanh thu ở một movie của Shinkai, cũng như chú ý theo dõi về những thành tựu mà nó có thể gặt hái được.

Tôi cũng không hiểu lý do tại sao nữa. Khi xem Kimi no Nawa. tôi rất ấn tượng nhưng cũng khá bàng quan trước nhưng tin tức dồn dập về nó hàng tuần (như, đã là tuần thứ bao nhiêu nó nắm giữ kỷ lục phòng vé, v.v…)

Chưa bao giờ xem bản thân là một phần của fandom Shinkai Makoto, cũng hờ hững với tất cả những lời có cánh dành cho Shinkai, và mối quan tâm duy nhất là giai đoạn Shinkai còn cộng tác sản xuất opening game cho minori. Trước khi mua vé xem Tenki no Ko tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản, là lại sắp theo dõi một loạt pha “scenery porn” hoành tráng nữa.

Vậy mà lần này tôi tự lấn bản thân vào vòng xoáy “lời qua tiếng lại” trong một tác phẩm Shinkai, lấn sâu một cách bất thường, mà không có lời giải. Có phải vì phim đã vô tình chạm trúng vào một góc khuất nào đó thuộc về bản ngã mà không nhận ra chăng?

Một triết lý đơn giản: khi đã yêu thích các nhân vật, tôi muốn họ phải được hạnh phúc; và khi đã yêu thích một tác phẩm, tôi mong tác phẩm đó được nhiều người đón nhận. Tôi không quan tâm nếu sự “hạnh phúc” đó chẳng may đi ngược lại kỳ vọng của những người trong fandom, hay sự đón nhận lớn lao có thể biến nó thành một dạng “mainstream” giải trí thuần túy.

Dù cho sự phân cực về Tenki no Ko vẫn tiếp diễn, tôi vẫn ủng hộ hết khả năng cho bộ phim. Tôi đã xem lại phim 7 lần kể từ tuần đầu của tháng 8.

Tôi cũng đã mua CD và tiểu thuyết. Lúc này tôi thích nghe đi nghe lại “Trời quang mây và nỗi mất mát”. Không hiểu sao nó cũng khiến tôi rơm rớm nước mắt khi hoài nhớ lại những kỷ niệm đã có với Tenki no Ko. Và tôi cũng đã thật sự bi lay động sâu sắc bởi cảm xúc của Hodaka trong phân đoạn sử dụng bản BGM này.

Dòng thời gian của “Tenki no Ko” và “Kimi no Nawa.” không giống nhau…

© 2019 “Tenki no Ko” Production Committee

Tenki no Ko khởi đầu vào mùa hè năm 2021 (theo tạp chí MU mà Suga Keisuke đang cộng tác, số 488, tức là 24 tháng sau tính từ số 464 ra tháng 7, 2019; ngoài ra còn nhiều dòng tweet ngẫu nhiên ngày tháng khác xuất hiện trong phim.)

Tháng 7 năm 2021, Hodaka và Hina gặp nhau, sau đó chia ly vào ngày 22 tháng 8. Qua hai năm rưỡi, Tokyo mưa như trút nước không ngày nào nghỉ và bị nhấn chìm toàn bộ lưu vực Edogawa và Arakawa, đến tận khi đôi trẻ tái hợp vào mùa xuân năm 2024.

Trong Kimi no Nawa (theo thời gian của Taki), vào 20 giờ 42 phút ngày 4 tháng 10 năm 2013, sao chổi Tiamat rơi xuống phá hủy Itomori, 8 năm sau (2021), Taki lúc bấy giờ vẫn chưa tốt nghiệp đại học, đi phỏng vấn xin việc sớm ở Marunouchi (chính xác là vào tháng 12 năm 2021, theo một quyển lịch hẹn từng xuất hiện trong phim). Mùa xuân năm 2022, Taki tốt nghiệp, gặp lại Mitsuha vào một ngày TRỜI NẮNG ở Tokyo.

Kết luận: do sự mâu thuẫn về thời tiết, Tenki no KoKimi no Nawa. tuy có cameo lẫn nhau, nhưng không diễn ra trong cùng một dòng thời gian.

Tản mạn về tình yêu trong “Tenki no Ko”

Fan-art by Sue (@yomosueyama)

Nửa đêm tản mạn một chút về Tenki no Ko, tất nhiên không phải là “review” (vì tôi chưa thể viết). Và tất nhiên nó cũng “spoil” nặng nề, những ai chưa xem xin tránh.

Ấn tượng bởi nhan đề bài hát “Còn thứ gì mà tình yêu làm được nữa không?”, một cách tự nhiên đã hình thành nên suy nghĩ: vì “tình yêu” ta có thể bất chấp mọi thứ, làm những việc không tưởng, vượt ngoài tầm với. Ta cố gắng hết mình vì theo đuổi tình yêu đích thực của đời mình. Trong thâm tâm ta biết tình yêu dù sâu nặng đến mấy rồi thì cũng có ngày phân ly, nhưng trước sau chỉ muốn đặt trọn tất thảy hy vọng vào nó, và tin tưởng nó đến phút cuối cùng.

Bây giờ đã lập gia đình, đã không còn say mê những lý tưởng lãng mạn rung trời chuyển đất, “vì nàng ta sẵn sàng hy sinh mọi thứ” thời hoang tưởng mộng mơ, nhưng chắc chắn một điều, và ngày càng thấm thía hơn bao giờ hết, tôi sẽ luôn đưa ra quyết định hướng tới gia đình, hướng tới người mình trao trọn “tình yêu”, bất kể hoàn cảnh ngặt nghèo nhất và/hoặc buộc phải hy sinh những giá trị sống khác (lúc này bị xem là thứ yếu). Cũng phải đặc biệt cảm ơn một “tổ chức” khác (như đã viết trong slogan của blog này), nhưng không đề cập ở đây để tránh lạc đề.

Tôi nghĩ rằng, điều đó là vô cùng đơn thuần, là vô cùng hiển nhiên, mặc cho nó “nghe” có vẻ hẹp hòi, ích kỷ.

Xem con người là trên hết thay cho mọi thứ chủ nghĩa đại thể, danh nghĩa đại chúng, từ đó tôi bắt đầu vẽ một vòng tròn nhiều lớp về những người mình trân trọng nhất và ưu tiên nhất trong các mối quan hệ xã hội, rõ ràng “gia đình”, hay nói cách khác là những người mình trao gửi toàn bộ “tình yêu”, sẽ là vòng tròn trong cùng. Tôi tôn trọng xã hội, nhưng “tình yêu” của mình mới là thứ sẵn sàng dốc hết thảy ruột gan ra để bảo vệ, vì còn “tình yêu” là còn mọi thứ.

Nếu đặt vào một bối cảnh viễn tưởng, nơi quyết định cá nhân sẽ gây ra tận thế, mọi người chết hết, nhưng trước sau đã thật sự hết lòng hết dạ với “tình yêu”, thì tôi thà vì “tình yêu” mà quay lưng lại với mọi thứ, rồi sau đó cùng “tình yêu” chết theo thế giới này cũng được. Tôi chắc chắn không phải là một người dũng cảm, hành sự theo lý trí, dám từ bỏ hạnh phúc cá nhân vì đại cuộc, mà trái lại tôi thật sự chấp nhận mặc cho trái tim chi phối, miễn sao tôi vẫn có “tình yêu” bên cạnh.

Thay vì là cảm giác ghen tị, chính bởi có cùng một tâm niệm (dù nó khá tiêu cực) nên tôi hoàn toàn thấu cảm hay đồng cảm trước quyết định của Hodaka (khoan xét đến các khía cạnh khách quan như Hina có đáng phải chịu hy sinh vì thế giới hay không, cũng như “thông điệp chìm” về sự tự sửa chữa của tự nhiên). Trên hết là, tôi cảm thấy những nỗ lực sống và cố gắng hết mình vì tình yêu như Hodaka thật đáng quý và cũng đậm tính chân thực.

Nó “nghe” ích kỷ, nhưng rất nhiều người sẽ phải ích kỷ một khi buộc đưa ra các lựa chọn mang tính vận mệnh giữa “tình yêu” của cả cuộc đời với các giá trị đại thể khác. Nó xứng đáng đến mức phải đánh đổi cả cuộc đời, và thông điệp này cũng được gửi gắm rất nhiều trong bộ phim.

Suga Keisuke từng nói, sẵn sàng hy sinh một cá nhân nếu nó mang lại điều tốt cho cả xã hội, và rằng “ai cũng sẽ làm thế”, nhưng “ai” ở đây là trong hoàn cảnh nào, và cá nhân phải hy sinh đó là người như thế nào đối với họ? Có phải Suga chính là một điển hình của những người “quan sát và đánh giá công tâm”, dùng lý trí để đưa ra các quyết định có lợi hay không cho đại thể? Điều đó vẫn đúng, cho đến khi bản thân anh được đánh thức (hay tự nhận thức) bởi một tâm nguyện tha thiết hướng tới “tình yêu”, chứng kiến một người dám làm tất cả chỉ vì “muốn được gặp người mình yêu”, điều mà sâu trong thâm tâm anh hằng khao khát vô cùng nhưng sẽ chẳng bao giờ làm được nữa. Suga từ vị trí là một người “quan sát công tâm”, đã nhìn thấy chính mình trong Hodaka. Không thể phán đoán tất cả dòng suy tư trong anh vào thời điểm tự nhận thức đó, là một sự thấu cảm tuyệt đối, hay xen lẫn cả sự ganh tị, nhưng chắc chắn anh cũng (và đã luôn luôn) hiểu “vì tình yêu ta có thể làm những gì”.

Không thể phán xét ai khi không sống trong hoàn cảnh của họ và trực tiếp trở thành họ, triết lý này xưa cũ, có sai mà cũng có đúng, nhưng lại rất đúng với các diễn biến trong Tenki no Ko, qua chính sự thay đổi thái độ của một người có xuất phát điểm tương đối đặc biệt như Suga. Ta có thể cho rằng sự hy sinh tất cả vì tình yêu cá nhân là ích kỷ, ngu ngốc, cho đến khi chính bản thân ta phải trực tiếp đưa ra lựa chọn hướng tới người mình sẵn sàng dành trọn cuộc đời để yêu, hoặc đã từng trải qua cái cảm giác vô vọng vì không còn “tình yêu” nữa để mà hy sinh.

“Trời không nắng nữa cũng chẳng sao, anh muốn có em hơn bất kỳ bầu trời xanh nào” là lời tuyên bố hùng hồn nhất mà đồng thời “thực” đến không ngờ cũng vì lẽ đó. Nó gói gọn tất cả nỗi niềm, và cũng phản tỉnh mọi cái nhìn về giá trị của tình yêu đích thực. Một tình yêu không có gì phải hối hận.

Có lẽ vì con người là một sinh vật như thế.

(Tôi viết bài tản mạn này nhân dịp phim công chiếu tại Việt Nam dưới nhan đề Đứa con của thời tiết.)

Về sự ra đi của Ikeda Shoko

Tôi nhẹ nhõm từ tận đáy lòng khi biết Ikeda Kazumi vẫn còn sống, nhưng đồng thời đau đớn khôn xiết khi tên người em gái tài hoa kiệt xuất của cô, Ikeda Shoko, được công bố (với sự cho phép của thân nhân).

Hai trong số những flagship làm nên “bộ mặt” của KyoAni, Nishiya Futoshi (Nichijou, Hyouka, Free!, Koe no Katachi, Liz to Aoi Tori) và Ikeda Shoko (Suzumiya Haruhi, Sound! Euphonium), đã không còn nữa.

Nghĩ đến nỗi đau của Ikeda Kazumi khi quay lại làm việc tại KyoAni, bởi di sản em gái cô để lại hiện hữu khắp nơi…. Đó là “nếu như” Ikeda vẫn có thể làm việc, vì không rõ tình trạng thương tật cũng như tâm lý của cô như thế nào.

Một lần nữa thành tâm cầu nguyện cho những người đã khuất, và cầu chúc những người bị thương nhanh chóng bình phục.

Quyển sách này giờ đây đã trở thành di sản vô giá. Nó tập hợp những bản vẽ và thiết kế cuối cùng của Ikeda Shoko.

Continue reading