Tản mạn về kết quả cuộc bầu cử dân chủ Hội đồng Quận tại Hồng Kông

Tranh ủng hộ phong trào phản kháng từ cat (pixiv ID: 37563350)

Điều quan trọng là cuộc bầu cử nói lên ý nguyện thật sự của đại đa số cử tri đi bầu, tức là 4,1 triệu trong số hơn 7 triệu người dân Hồng Kông, giữa muôn trùng nhũng nhiễu từ Bắc Kinh. Kẻ nắm quyền bao giờ cũng có lợi thế nhiều nhất và thủ sẵn nhiều công cụ, phương tiện nhất để cản trở các đối thủ thấp cô bé họng hơn nó (ví dụ sống động của chính quyền và nhân dân). Đừng hỏi tại sao trong đa phần trường hợp xảy ra xung đột dân sự, người ta lại có xu hướng cảm tình dành cho dân thường hơn là những người thực thi quyền lực, vốn vừa “chính danh ngôn thuận” vừa được nai nịt tận răng.

Kết quả bầu cử cũng cho thấy công sức nửa năm trời đấu tranh của phong trào phản kháng là chính nghĩa, đúng đắn và không hề lãng phí, bởi nếu không có sự ủng hộ quần chúng, phe thân Bắc Kinh chắc chắn một lần nữa chiếm hơn 2/3 ghế địa phương. Nó đáp trả sự vu cáo “khủng bố” nhắm vào cả phong trào phản kháng, cũng đồng thời xoa dịu tâm lý quá khích và phá hoại bộc phát của một số kẻ bài Đại lục cực đoan.

Không như hàng loạt tổ chức sừng sỏ hay các cường quốc luôn hô hào ủng hộ tự do dân chủ nhưng chấp nhận quỵ lụy trước chính quyền Trung Nam Hải và phải viết thư xin lỗi một cách nhục nhã mỗi khi làm “tổn thương trái tim người dân” Đại lục, một vùng lãnh thổ nhỏ bé thua thiệt về mọi khía cạnh chính trị lẫn xuất phát điểm lịch sử, không có tư cách quốc gia như Hồng Kông, đã kiên quyết khước từ khấu đầu trước kẻ cầm quyền họ cho là phường vô lại (và… có ai mà không nghĩ nó là quân kẻ cướp vô lại?). “Cứng quá thì gãy” hay không chưa thể biết được, nhưng chưa thử “cứng” mà đã sợ “gãy” thì bản đồ thế giới ắt đã không được như bây giờ (hay có thể nào đó lại là điều… tốt?).

Có thể trong Hội đồng Lập pháp, quyền lực vẫn sẽ thuộc về phe thân Bắc Kinh (Phe kiến chế) dù có qua bao lần bầu cử, bởi cái xiềng mà Bắc Kinh trói buộc Hồng Kông từ sau năm 1997 chỉ có thít chặt thêm từng ngày cho đến năm 2047 chứ không thể nới lỏng ra, và dẫu phong trào phản kháng có bị chà đạp hay bị lạm dụng cho các mục đích khác nhau trong tương lai, tiếng nói của người Hồng Kông trước thế giới hôm nay là thật, là một thời khắc lịch sử xứng đáng được khắc cốt ghi tâm.

Cười cợt cuộc bầu cử được đánh giá là “dân chủ nhất có thể có tại Hồng Kông” (theo SCMP và NHK), cũng là nhạo báng các giá trị thuần túy của quyền làm chủ của nhân dân, thứ mà trong hoàn cảnh bình thường, nhà cầm quyền nơi nào cũng mặc sức tung hô. Hồng Kông vẫn sẽ bảo tồn nét văn hóa Trung Hoa như đã luôn từ xưa đến nay, song có chấp nhận nền chính trị đương thời của Đại lục hay không, quyền quyết định “nên” được trao cho cư dân của chính nó. Người Anh trong quá khứ chưa từng trực tiếp trao cho Hồng Kông đặc quyền này, nhưng nó không phải là cái cớ để phủ nhận thứ mà người Hồng Kông ngày nay khao khát và xứng đáng được hưởng.

Những người bạn là người Hồng Kông của tôi đều đã quay về quê hương thực hiện quyền bầu cử (tất nhiên họ ủng hộ Phe dân chủ). Họ sẽ trở lại Nhật Bản vào tối nay. Tuy khá hiểu niềm sung sướng không gì tả xiết qua những dòng LINE chat, tôi vẫn nôn nóng được nghe trực tiếp cảm xúc của họ.

Submit feedback

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.