Từ bao giờ mọi người đã quên đi việc Hoàng thất Nhật Bản không có quyền công dân?

Rất nhiều người thường quên hoặc hoàn toàn không biết một sự thật hiển nhiên: Thiên hoàng, Hoàng hậu và tất cả thành viên còn lại trong Hoàng thất, đều không phải “công dân Nhật Bản” bởi họ không có hộ tịch mà chỉ được ghi tên vào một thứ gọi là “Hoàng Thống phổ”. Nói cách khác, Hoàng thất không có “quyền công dân”, và không phải là “người có quốc tịch Nhật Bản” trên giấy tờ.

Người dân Nhật Bản được Hiến pháp bảo vệ mọi quyền cơ bản nhất của con người, như được ghi rõ từ Điều 10 đến Điều 40, và trớ trêu là, Hoàng thất không được bảo đảm những quyền này. Sự nhìn nhận duy nhất về Thiên hoàng chỉ vỏn vẹn qua một câu cực kỳ súc tích, “Thiên hoàng là biểu tượng của quốc gia Nhật Bản và cho sự hòa hợp dân tộc.” trong Điều 1. Nói một cách nghiệt ngã hơn, bản Hiến pháp này không xem Thiên hoàng và Hoàng thất là “con người”, khi họ chỉ có “bổn phận và nghĩa vụ” mà không có “quyền lợi”, lý thuyết có mà thực tế cũng có.

Hoàng thất không có quyền bầu cử, bởi họ sinh ra (trừ những người nữ xuất thân thường dân) đã không có quyền công dân, và cũng bị Hiến pháp cấm tham chính. Hoàng thất không có quyền chọn nơi cư trú hay tái định cư, cuộc đời họ gắn chặt với Hoàng cư theo sắp xếp của Cung Nội sảnh. Họ cũng không có quyền tự do kết hôn và mưu cầu hạnh phúc cá nhân. Việc phỉ báng Hoàng thất không bị ràng buộc trong các điều khoản pháp quy lẫn Hoàng thất Điển phạm. Lịch trình công sự và lễ vụ của họ kéo dài từ khi mở mắt đến tận lúc lên giường thay vì được quy định rõ ràng trong Bộ Luật lao động. Hoàng tộc ở các nước khác được hưởng một số đặc quyền để đáp trả nghĩa vụ của họ, nhưng Hoàng tộc Nhật Bản lại sống quá khiêm nhường.

Hoàng thất thực thi các nhiệm vụ triều chính lễ nghi của họ một cách miễn cưỡng với nỗi mặc cảm “mang nợ quốc dân”. Hoàng thất như chim quý trong lồng, được chu cấp đầy đủ từ ngân sách nhà nước (tiền thuế), ngân khố hoàng gia do Cung Nội sảnh quản lý (mà phần gốc rễ đã bị sung công quỹ sau năm 1945), nhà ở (kỳ thực là tài sản công của nhà nước do Chính phủ quản lý), bất luận họ có muốn vỗ cánh tự bay lên hay không. Sống giữa những quan niệm về ý thức công việc của xã hội hiện đại với sự nhận thức rằng sự tồn tại của bản thân là một nét văn hóa xưa cũ đang được bảo tồn, Hoàng thất gánh chịu những áp lực tinh thần và trách nhiệm khó giãi bày hơn tuyệt đại đa số quốc dân. Hoàng thất sống theo sự an bài một cách dè dặt, bởi họ hiểu rằng bất kỳ một sơ suất nào cũng sẽ hứng chịu những sự chỉ trích mang cớ quốc khố, vốn không có cơ sở bào chữa. Cuộc sống vật chất rất đầy đủ, nhưng tinh thần thì khiếm khuyết.

Tất cả là để bảo vệ sự trọn vẹn từ thời huyền sử của dân tộc Nhật Bản. Hoàng thất không phải “người Nhật Bản”, mà họ tượng trưng cho “nước Nhật Bản”, họ chính là “nước Nhật Bản”, bảo vệ Hoàng thất chính là bảo vệ Nhật Bản. Hoàng thất không có quyền công dân, vậy nên sự tồn tại của họ quý giá đến mức vô giá.

Submit feedback

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.