Takeda Hinata-sensei | Từ người em gái Senno Enaga: “Chị tôi đã sống một cuộc đời như vậy”

Trang đầu chương 2 manga “Ikoku Meiro no Croisée”.
© Takeda Hinata / FUJIMISHOBO

Takeda Hinata-sensei qua đời vào tháng Giêng năm 2017, nhưng mãi đến tháng 5 tin tức về cái chết của cô mới được loan báo rộng rãi. Những lo toan trong cuộc sống vào thời điểm ấy đã cản trở tôi bày tỏ sự tiếc thương không gì tả xiết của mình khi hay tin. Bây giờ tôi dịch lại ở đây những lời chia sẻ nghẹn ngào cảm xúc mà em gái của Takeda-sensei là họa sĩ minh họa Senno Enaga hướng về chị mình.

Cả lần đầu tiên đọc những dòng dưới đây của Senno-san lẫn quá trình dịch lại sau 2 năm, tôi vẫn không cầm được nước mắt (một phần do giai điệu của ca khúc “Tooku Kimi e”). Mong rằng qua chia sẻ của Senno-san, mọi người sẽ có thêm hình dung về con người của Takeda-sensei…

Chị tôi đã sống một cuộc đời như vậy.

Đã lâu lắm rồi tôi không có lấy một phút giây bình lặng.

Tâm trí tôi rối bời, không sao bộc bạch thành tiếng hay đặt bút viết thành chữ.

Quá nhiều chuyện đã xảy ra từ năm ngoái đến tận đầu năm nay.
Cú sốc này nối tiếp nỗi bàng hoàng khác liên tục trong một thời gian dài, buộc tôi phải học cách thích ứng.

Tôi có một người chị lớn hơn mình 4 tuổi. Chúng tôi là hai chị em gái.

Vào tháng Giêng năm nay, chị tôi đã bước lên nấc thang dẫn về cõi thiên đàng.

Từ thuở tấm bé, chị em chúng tôi đã quấn quít bên nhau, gắn kết mọi thứ với nhau, từ trải nghiệm, cảm xúc đến suy nghĩ.

Hàng năm, gia đình chúng tôi sẽ đi cắm trại hoặc ra biển chơi, cùng hòa mình với thiên nhiên, đuổi theo cánh chim trời chao liệng, thả bước trên đồng cỏ bạt ngàn tìm kiếm côn trùng.

Nơi chị em tôi lui tới thường xuyên nhất là vùng núi Nagano và Fukushima. Cảnh vật ở Oze và Togakushi năm nào vẫn in dấu đậm nét trong tâm trí tôi.

Những kỷ niệm ấy, chúng tôi chia sẻ cùng nhau, và cùng chung tâm thức.
Khí trời trên đỉnh núi, tiếng chim hót và tiếng côn trùng rả rích đó đây, cánh chuồn chuồn tuyệt sắc, nước hồ lạnh cóng, thời tiết nơi sơn thủy lúc giao mùa, màn đêm muôn vàn ánh sao, những đóa hoa mọc trên cao nguyên, vẻ đẹp ánh cam từ que củi cháy nhóm lửa trại, hương vị thơm ngon của những món ăn chế biến trên bếp than lộ thiên, cốc cacao nóng cả nhà nhâm nhi trong bữa tối, pháo hoa thắp sáng nền trời đêm, suối nước nóng cùng viện bảo tàng gần đó, những khoảnh khắc được tắm mình trong bốn bề xanh lá bạt ngàn…
Biết bao nhiêu kỷ niệm thay phiên nhau ùa về, sâu đậm làm sao, nghẹn ngào làm sao.

Có lẽ, những trải nghiệm chung ấy đã gieo vào tâm hồn chị em chúng tôi sự trân quý thiên nhiên cùng các tạo vật thuộc về nó.

Chị em chúng tôi đam mê hội họa, và thường hay vẽ tranh cùng nhau.

Chúng tôi sinh hoạt ngoại khóa giống hệt nhau, từ tổ nhạc khí hồi tiểu học, đến đội bóng chuyền khi lên cấp hai, rồi lại câu lạc bộ nhạc khí suốt những năm cấp ba.
Tự khi nào tôi đã luôn đuổi theo bóng lưng của chị mình trong vô thức.

Tính cách người này người kia có nhiều mặt đối nghịch, song kỳ thực tâm tư chúng tôi lại rất giống nhau.

Bởi lẽ, quan niệm sở thích khác hẳn môi trường sống xung quanh, không dễ hòa đồng với đám đông, chị em chúng tôi chỉ thích tận hưởng thế giới trong tâm trí của riêng mình.
Nhưng cũng chính vì nhận ra bản thân giống hệt nhau ở điểm này, mà hai chị em thấu hiểu nhau sâu sắc.
Mỗi khi hai người chúng tôi tâm sự, câu chuyện thể nào cũng xoay về đề tài tranh ảnh, manga, anime, động vật, hay thậm chí là vũ trụ, toàn những chuyện trên trời dưới đất mà chỉ có con gái mới hiểu.
Mỗi khi hai người chúng tôi tâm sự, đến bố mẹ cũng không thể cắt ngang được, để mặc hai chị em chìm đắm trong dòng chảy câu từ bất tận.
Những lúc bình thường tôi chẳng có mấy dịp hoạt ngôn như thế đâu!

Có điều, không giống như tôi,

chị sáng dạ, vô cùng siêng năng, và luôn phấn đấu hết mình hoàn thiện bản thân.

Với đức tính cần cù chịu khó, lại thêm khả năng tập trung vững vàng, tài hoa và tư duy hội họa của chị đã được khẳng định từ rất sớm.

Từng con chữ và đường kim mũi chỉ dưới bàn tay khéo léo của chị quả thực sắc sảo và tuyệt mỹ quá đỗi.

Tôi chưa một lần tiết lộ điều này với ai,

rằng chị tôi đã sáng tác manga và vẽ minh họa dưới nghệ danh “Takeda Hinata”.

Có lẽ một số người đã từng nghe qua nghệ danh này.

Cùng hoạt động trong một lĩnh vực nghệ thuật, sáng tác của người này vì thế mà đã trở thành sự khích lệ với người kia.
Tôi trở thành người như bây giờ, hoàn toàn là nhờ có chị mình.

Tác phẩm minh họa đầu tiên của chị, “Golem wa Shougen Sezu”, cũng là lần đầu tiên tôi đảm nhận vai trò của một trợ lý họa sĩ.
Tôi đã bị choáng ngợp trước những đường bút tao nhã vô cùng tỉ mỉ của chị mình.

Manga đầu tay của chị, “Yaeka no Karute”, mang lại cho một trợ lý như tôi vô vàn bài học quý giá, từ những chương truyện đầu tiên đến tận tập sách cuối cùng.
Các bản thảo tranh chứa đựng sự duyên dáng, tinh tế và quyến rũ không ngờ, đồng thời thấm đẫm tình thương muông loài, vốn là triết lý sáng tác của chị tôi.

Sau đó là những minh họa nhân vật thẻ bài,
cùng ấn phẩm truyện tranh ngắn “Kitsune to Atori”…

Và, hai tuyệt tác nghệ thuật của chị:

“GOSICK” (minh họa series tiểu thuyết)
“Ikoku Meiro no Croisée”

Chị tôi yêu say đắm nước Pháp.
Chị đã tự mình đến Pháp hai lần.
Tôi cũng yêu quý châu Âu, vậy nên hai chị em thường chuyện trò về châu Âu.

Tôi từng thổ lộ với chị, rằng muốn ra mắt một tác phẩm mà trong đó hai chị em cùng cộng tác thực hiện.

Giấc mơ ấy chỉ còn một chút nữa thôi là trở thành hiện thực rồi, thế nhưng Croisée lại là tác phẩm cuối cùng tôi được sát cánh hỗ trợ chị.
Chỉ bấy nhiêu nét bút ít ỏi của mình thêm vào, tôi còn chẳng biết nó có đáng gọi là thành quả cộng tác của hai chị em không nữa…

Nhưng chí ít, hai chúng tôi đều đã thực sự cố gắng hết mình, bằng cách này hay cách khác, với tới nguyện vọng đó.

Ân hận làm sao, tôi chẳng mảy may hay biết chị mình đã cảm thấy bất an biết nhường nào.
Bất chấp thể trạng trở nên suy nhược, chị đã đương đầu với chính bản thân mà tiến lên từng chút một.

Gánh chịu những nỗi nhọc nhằn và đau đớn mà một người bình thường ắt sẽ dễ dàng buông xuôi.
Cơ thể nhỏ bé oằn mình chống chọi bằng nghị lực phi thường, tựa một chiến binh.

Đó chính là người người chị kiêu hãnh của tôi, người mà tôi yêu thương hết mực.

Tôi đã luôn tin tưởng rằng tương lai đang chờ đợi cả hai chúng tôi, rằng chị sẽ tiếp tục ở bên tôi.
Cớ sao chị lại ra đi nhanh như thế… Làm sao chấp nhận nổi một thế giới không còn hình bóng chị nữa bây giờ.

Nhưng…

Chị tôi đã sống một cuộc đời đầy tự hào.

Vì những tác phẩm mà chị để lại đã chinh phục trái tim của biết bao người.
Vì chị là gia đình của em, sinh ra là chị gái của em.

Cảm ơn chị. Em không biết phải dùng tữ ngừ nào để cảm ơn chị cho đủ.

Chị là người chị vĩ đại nhất! Em muốn đứng giữa trời mà gào lên thật to điều ấy.

Điều cuối cùng tôi muốn bày tỏ là,

Chị tôi chưa bao giờ từ bỏ hy vọng được vẽ phần tiếp theo của “Ikoku Meiro no Croisée”.
Sức khỏe suy yếu buộc phải gác bút, ngắt liên lạc với độc giả, bởi vậy mà chị luôn ray rứt vì đã để các fan của bộ truyện chờ đợi.

Tôi nghĩ rằng, đến tận những phút giây cuối cùng, điều mà chị ấy tha thiết muốn làm nhất chính là cầm lấy cây bút vẽ.

Sự ra đi của chị vừa được tạp chí “Dragon Age số tháng 6” đăng tin cáo phó.
Ngoài ra, tác giả Sakuraba Kazuki của series tiểu thuyết “GOSICK” cũng viết một bài blog về chị.
Tôi đã không nén nổi nước mắt khi đọc những dòng ấy.
Tôi thật sự biết ơn các vị vô cùng.

Tôi sẽ tiếp tục vẽ bằng tất cả lòng nhiệt huyết cháy bỏng nhất.

Liệu mình còn có thể cầm cọ được hay chăng? Đó là nỗi niềm trăn trở của tôi từ nhiều tháng trước.
Tôi vẽ tranh vì có chị ở bên. Ánh mắt chị luôn dõi nhìn theo chính là nguồn năng lượng trong tôi.
Nhưng dần dần tôi nhận ra, bản thân đã nắm bắt được một ý nghĩa lớn lao thông qua việc vẽ tranh.

Và đó cũng chính là… lý tưởng mà chị tôi đã một đời theo đuổi.
Chị đã vẽ nên những tác phẩm khắc họa thế giới hiện hữu trong tâm hồn.

Vậy nên,

Trong thâm tâm tôi đã luôn khao khát được khắc họa thế giới của riêng mình. Tôi sẽ tiếp tục cầm cọ, vì tôi muốn vẽ nên thế giới ấy.

Nee-chan, em sẽ làm như thế nhé?

Em sẽ lắng nghe những gì trái tim mình mách bảo, không ngừng cố gắng hết mình cho đến ngày về bên chị. Ở phương trời xa, chị hãy luôn dõi theo em nhé.
Đến khi chúng mình gặp lại nhau, hãy cười thật to và chuyện trò thật lâu bên bàn trà, chị nhé.
Và hãy cùng nhau nô đùa với chim chóc và sâu bọ một lần nữa, chị nhé.

Bao nhiêu năm qua chị đã luôn bảo ban em, đùa nghịch cùng em, chuyện trò cùng em, bực mình cùng em, buồn đau cùng em, cười vui cùng em, vẽ tranh cùng em, làm chị gái của em. Từ tận đáy lòng em chỉ muốn nói lời cảm ơn chị mà thôi. Em yêu chị, em yêu chị lắm, chị ơi.

Mỗi lần xem lại hình ảnh Yune lần đầu tiên xuất hiện trong bộ kimono sặc sỡ và cực kỳ chi tiết này, tôi không thể giấu được sự thích thú và thán phục.
© Takeda Hinata / FUJIMISHOBO

Gần đây khi có cơ hội thưởng thức lại những tác phẩm của Takeda Hinata-sensei, tôi cảm thấy vô cùng xúc động và liên tục bị ám ảnh. Không phải vì những câu chuyện và nét vẽ đã quá nổi tiếng từ 10 năm trước, mà nằm ở sự ngậm ngùi và tiếc thương từ tận đáy lòng dành cho một nghệ sĩ, một tác giả kiệt xuất.

Càng ý thức sâu sắc hơn về thế giới đẹp đến nao lòng dười ngòi bút, nét cọ của sensei, tôi càng xót xa bởi sự ra đi vội vàng khi tuổi đời còn rất trẻ trong lúc tài hoa nở rộ. Takeda-sensei đã phải chống chọi với bệnh tật trong nhiều năm trời, tôi chỉ ước ao rằng suốt thời gian đó thế giới trong mắt cô vẫn luôn đẹp, luôn tinh tế và làm say đắm lòng người như thế, và tôi thật sự tin vào điều đó qua lời kể của những người trong cuộc, cũng như những gì đã luôn hình dung về con người sensei.

Rất nhiều người biết đến Takeda-sensei qua các tranh minh họa cho series light novel Gosick. Tôi đã xem Gosick từ rất sớm khi được Bones chuyển thể anime và đặc biệt yêu thích nửa sau bộ phim, từ đó tìm đọc tiểu thuyết nguyên tác. Bản thân tác giả tiểu thuyết Sakuraba Kazuki-sensei cũng từng nói điều đại loại như, Gosick được xây dựng nên bởi một phần không thể thiếu tâm huyết của Takeda-sensei (bên cạnh thiết kế nhân vật là cách xây dựng nhân vật, bởi sau khi chiêm ngưỡng tranh vẽ của Takeda-sensei, Sakuraba-sensei đã thay đổi cốt truyện theo hướng ăn khớp với phong cách nghệ thuật).

Thế giới quan của Takeda-sensei được khắc họa rõ nét trong từng khung tranh Gosick, tuy nhiên triết lý sống cùng phương châm mỹ học của cô chỉ có thể được quan sát một cách chân thực và thuần khiết nhất qua Ikoku Meiro no Croisée, mà giờ đây đã thành di cảo. Tôi muốn tỏ bày thật nhiều cảm xúc về Ikoku Meiro no Croisée trong một bài viết khác, hôm nay hãy chỉ nói riêng về Takeda-sensei.

Trang cáo phó Takeda Hinata trên “Dragon Age” số tháng 6 năm 2017.

Là một người tôn thờ các giá trị nghệ thuật và thông điệp nhân văn trong từng tác phẩm thuộc văn hóa otaku, tôi hết lòng cầu nguyện cho sức khỏe của những con người đã mang các tác phẩm ấy đến với thế giới này. Bên cạnh sự ngưỡng mộ niềm đam mê và lý tưởng cao đẹp thể hiện dưới ngòi bút, tôi thật tâm mong những con người ấy được sống hết mình, làm trọn những gì mình muốn trong kiếp người ngắn ngủi mà không phải hối tiếc điều gì cả. Vì vậy khi hay tin một tác giả lâm trọng bệnh hay đột ngột qua đời để lại tác phẩm còn dang dở, tôi thật sự buồn thương khi nghĩ đến những hoài bão đẹp đẽ họ đang ấp ủ, càng đau lòng hơn nếu đó là những tác giả đã chiếm trọn tình cảm của tôi, như Takeda-sensei.

Một người đã vẽ nên những tác phẩm đáng yêu đến thế, sâu lắng đến thế, xinh đẹp đến thế lại phải gác bút ngang với bao nỗi niềm chất chứa, không chạnh lòng sao được.

Cũng như sự ra đi của Fujiwara Cocoa-sensei năm ấy, tâm trí tôi khi đọc tin cáo phó chỉ vang vọng một tiếng cảm thán trách số phận trêu ngươi. Fujiwara-sensei và Takeda-sensei, có hoàn cảnh khá tương đồng nhau, là hai trong số những nữ tác giả tôi hâm mộ nhất và trớ trêu thay cũng buồn lòng nhiều nhất trước những tác phẩm vô cùng đáng yêu và thanh nhã của họ. Bất luận đang ở nơi đâu, chỉ mong họ được hạnh phúc.

Những tác giả như Takeda-sensei vẫn luôn được gọi tên trong sự xúc động, nhưng tiếng tăm qua thời gian cũng sẽ trở nên mờ nhạt theo từng thế hệ độc giả. 100 năm nữa hay nhiều hơn, có lẽ chẳng còn bao nhiêu người quan tâm đến tác phẩm “thuộc về thế kỷ trước” của họ nữa. Đó chỉ là suy nghĩ (nông cạn) của cá nhân tôi, nhưng vì nỗi lo sợ này mà tôi luôn cố gắng, được chút nào hay chút ấy, đóng góp cho một cái gì đó bất biến qua năm tháng, để hy vọng luôn có người nhớ đến họ cũng như sự nghiệp sáng tác của họ. Là một độc giả nhỏ bé, tôi chỉ có thể làm những việc đơn thuần trong khả năng, như khởi tạo hay mở rộng bài viết tiểu sử của họ bằng ngôn ngữ mà mình biết trên Wikipedia. Nó thật sự rất nhỏ nhoi và tôi cũng không chắc tính thiết thực được bao nhiêu, nhưng tôi đã thật sự làm việc như thế bằng tâm niệm ấy.

Tôi sẽ viết một bài thật dài về Takeda Hinata-sensei trên Wikipedia, lường trước sẽ rất khó khăn bởi sensei là người kín tiếng và tiểu sử công khai cũng chẳng nhiều nhặn gì.

Tôi mong mọi người sẽ không bao giờ quên những tác phẩm tuyệt đẹp của Takeda-sensei, và thay vào đó càng nhiều người nữa sẽ biết đến phong cách nghệ thuật của cô. Gosick đã được phát hành tại Việt Nam, nhưng cái tên “Takeda Hinata” không được nhắc đến bởi ấn bản sách xuất bản không phải là ấn bản có sự minh họa của sensei. Đây là một điều cực kỳ đáng tiếc (dù do nguyên nhân khách quan). Thật khó chấp nhận một tác phẩm mang đậm dấu ấn của Takeda-sensei lại không đề tên cô trên bìa. Chính tại Nhật Bản, bộ sách (6 quyển) dùng minh họa của Takeda-sensei cũng không còn được tái bản nữa (ngoài sách điện tử), nhưng tất cả tranh minh họa đều được đưa vào một artbook tưởng niệm hoàn chỉnh nhất dưới nhan đề Lumière, âu cũng là một sự an ủi.

“GOSICK”. Tôi không cần phải lưu ý về sự tinh xảo trong từng chi tiết của họa phẩm. Đây cũng là bìa của artbook tưởng niệm “Lumière”.
© Sakuraba Kazuki・Takeda Hinata / KADOKAWA Shoten

Cuối cùng tôi chỉ muốn bộc bạch thế này với chính bản thân: mình sẽ mãi mãi nhớ về Takeda Hinata-sensei, nhớ về những tác phẩm của cô dù ở bất cứ nơi đâu hay bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc đời. Những tác phẩm ấy có ý nghĩa vô cùng lớn đối với mình, và chính Takeda-sensei cũng vậy.

Tái bút: Tôi thích nét vẽ của Senno Enaga-san, một phần không nhỏ vì nó tạo cho tôi cảm giác nhung nhớ về Takeda-sensei.

Họ đều là những người phụ nữ thật tuyệt vời.

 

Submit feedback

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.