Tản mạn: Nơi để lưu giữ cảm xúc

Một nơi để lưu giữ cảm xúc là rất quan trọng.

Khi thưởng thức xong một tác phẩm hay, ngoài vấn vương cái kết của nó, tôi còn canh cánh lo sợ… mình sẽ quên đi những cảm xúc mà hôm nay đã dành cho nó thật cháy bỏng… nghe cũng hơi tức cười w.

Tôi biết là một tác phẩm để lại ấn tượng và nuối tiếc đến mức tha thiết như thế thì dù thời gian trôi qua nó vẫn đọng lại sâu trong tim, nhưng cái tình cảm ở lần đầu tiên nếm trải nó ngọt ngào hơn nhiều và đáng nhung nhớ mãi mãi.

Bởi không tìm ra được cách nào để lưu giữ mãi thứ cảm xúc đó, tôi chọn cách viết ngay lập tức suy nghĩ của mình, cầu may sau này đọc lại sẽ vẫn mường tượng được phần nào tình cảm lúc đó.

Vậy nên tôi rất trân trọng những nơi có thể “lưu trữ”. Có lẽ chẳng ai quan tâm đến nó cả, hay thấy nó nhạt nhẽo, xoàng xĩnh, chẳng đáng “lưu” mà làm gì. Ví dụ nhưng diễn đàn lưu trữ thảo luận hay blog, ở thời đại mạng xã hội thâu tóm mọi thứ với những câu phê bình vô thưởng vô phát rồi lạc trôi đi đâu mất, các diễn đàn và blog giống như “két an toàn”, dễ dàng tìm lại một cái gì đó từng thuộc về mình ngày xưa.

Không chỉ là về một tác phẩm thôi, mà là tất cả những gì nghĩ ra được trong nhất thời cũng đáng lưu trữ

Những nơi lưu giữ cảm xúc mất đi vì một lý do khách quan nào đó thật vô cùng đáng tiếc.

Lò đốt rác Toshima trong “Tenki no Ko”


Nếu được hỏi, cảnh quan công trình khiến bạn ấn tượng nhất trong Tenki no Ko là gì? Đối với tôi, đó không phải là Yoyogi Kaikan (nơi Hina kết nối với bầu trời), không phải là NTT Docomo Tower (địa điểm yêu thích của Shinkai Makoto), cũng không phải là Roppongi Hills Mori Tower (nơi Hina cầu nắng cho đại hội pháo hoa Thần Cung Ngoại Uyển).

Khi ba đứa trẻ non nớt, không nơi nương tựa, không người chở che, đương đầu với số phận của chúng vì một lòng tha thiết được ở cùng nhau, lang thang dưới tiết trời giông tố khắc nghiệt, lạnh lẽo thê lương như chính thái độ dửng dưng của người đời, rồi vô tình bước lên cây cầu vượt đường sắt Ikebukuro. Trong một cảnh trên cầu, ta quan sát được cột ống khói cao chót vót (210m) của Lò đốt rác Toshima.

Lò đốt rác Toshima xem qua Google Earth. Vùng khoanh đỏ là nơi các nhân vật từng đi ngang qua.

Khung cảnh tuyết rơi lạnh cóng giữa mùa hè, trên nền nhạc “Manatsu no Yuki”, nổi bật nhất là 6 cụm đèn đỏ dọc theo công trình kỳ dị, thực khiến tôi cảm nhận sâu sắc bầu không khí lúc đó của Tokyo, ngồi trong rạp mà cũng rét run vì cái lạnh mơ hồ, và vì thương và lo cho ba đứa trẻ. Tôi không thể và cũng không biết cách giải thích, tại sao hình ảnh cột ống khói Toshima lại gây tác động lên mình mạnh đến thế, nhưng giữa một nhịp độ phim dồn dập tình tiết, trường đoạn này là các cảnh “bán tĩnh” hiếm hoi làm người ta phải suy ngẫm.

Lò đốt rác Toshima có cột ống khói cao nhất thế giới, nhưng ngoài tôi và một số người cùng cảm nhận đã biết ra, chắc chẳng mấy ai chú ý đến nó đâu.

Còn với những người là fan của Shinkai Makoto, hẳn cũng từng biết đến cột ống khói này trong Kumo no Mukou, Yakusoku no Basho, bởi vì nó chính là nguyên mẫu của “tòa tháp Liên bang” trong phim. Nghĩ như vậy lại thấy ở cột ống khói toát ra một “cảm hứng” nào đó ảnh hưởng lên Shinkai w.

Kagikko, Ayuket và Umiket

Hình như tôi chưa bao giờ viết về việc này…?

“Kagikko” là từ để gọi những người hâm mộ Key tại Nhật Bản (lịch sử và lý do có tên gọi này đã đề cập nhiều), được hiểu như một fandom. Từ tương ứng dành cho fandom của Leaf là “Happa”, nhưng fanbase của Leaf không hỗ trợ đủ mạnh để chính thức hóa tên gọi của họ.

Trước năm 2014, hệ thống Kagikko có phân ra thứ bậc để đánh giá sự “năng nổ” của các thành viên công khai danh tính trong một BBS công cộng. BBS này ra đời vào khoảng đầu năm 2000. Thời gian đó, Kagikko rất tích cực tham gia các sự kiện như Comiket, bên cạnh việc hỗ trợ gian hàng chính thức của Key, họ còn tự bán sản phẩm của mình như những circle doujin.

Trong số những Kagikko hăng hái nhất và có “bậc cao nhất” thời đó, có Fuyuichi. Fuyuichi cùng một số nhân vật “khét tiếng” đã lập ra một tổ chức có tên là Ayuket (ảnh hưởng bởi Ayu), là nhái theo “Ủy ban trù bị Comiket”, ban đầu chỉ nhằm hỗ trợ cho các hoạt động kiểu fanclub của Key, sau tiến lên tổ chức các sự kiện kiểu Comiket dành riêng cho Kagikko, gọi là “Key Points”.

“Key Points1” tổ chức vào tháng 10 năm 2003, sau thường theo lịch trình hai lần mỗi năm (lần đầu vào tháng 2, lần sau vào tháng 9). “Key Points14” vào tháng 10 năm 2018 là kỳ “Key Points” cuối cùng, do sự giải thể của Ayuket sau 17 năm dài hoạt động bền bỉ.

Nguyên nhân Ayuket không hoạt động nữa, một phần bởi Fuyuichi đã “step-down” từ lâu. Tuy nhiên, nó không đồng nghĩa một đơn vị bảo trợ (tanimachi) tượng trưng cho sự thống nhất của Kagikko đã kết thúc. Trước khi giải thể, Ayuket đã ủy quyền tất cả lại cho tổ chức kế tục nó, Umiket (ảnh hưởng bởi Umi). Umiket tiếp tục tài trợ tổ chức “Key Island”, thay thế “Key Points”. “Key Island2” vừa kết thúc hôm nay, và hiện Umiket đang chuẩn bị cho “Key Island3” vào tháng 2 năm sau.

Hầu hết những họa sĩ Kagikko quen thuộc như Remotaro, Mana, ZEN, Pokopi, Fuyuichi… đã song hành cùng Ayuket và sau là Umiket suốt hàng chục năm qua. Bây giờ nhiều gương mặt mới hơn đã ra đời do “trúng đạn” Summer Pockets, đó là điều rất đáng mừng. Những gương mặt cũ vì cuộc sống cá nhân cũng đã lui dần về hậu trường, như Pokopi chẳng hạn, nghĩ lại tôi thấy hoài niệm mà cũng nuối tiếc.

“Ayu” là khởi đầu, bây giờ kế tục bởi “Umi”. Nhìn sâu một chút, sẽ thấy những gì Kagikko làm được thật đáng tự hào, sau ngần ấy năm dài đằng đẵng.

Tranh quảng bá chính thức cho “Key Island3” sẽ tổ chức vào ngày 16 tháng 2 năm 2020. Yumemi đang cầm trên tay món Unaju (lươn hộp), đặc sản thành phố Hamamatsu (nơi tọa lạc trung tâm thương mại Matsubishi, bối cảnh chính trong tác phẩm).

Tranh: Hoshino Yumemi bởi Hoshimame Mana (twitter: @mana22), và các nhân vật chibi bởi Ura (twitter: @ura530).