Dòng thời gian của “Tenki no Ko” và “Kimi no Nawa.” không giống nhau…

© 2019 “Tenki no Ko” Production Committee

Tenki no Ko khởi đầu vào mùa hè năm 2021 (theo tạp chí MU mà Suga Keisuke đang cộng tác, số 488, tức là 24 tháng sau tính từ số 464 ra tháng 7, 2019; ngoài ra còn nhiều dòng tweet ngẫu nhiên ngày tháng khác xuất hiện trong phim.)

Tháng 7 năm 2021, Hodaka và Hina gặp nhau, sau đó chia ly vào ngày 22 tháng 8. Qua hai năm rưỡi, Tokyo mưa như trút nước không ngày nào nghỉ và bị nhấn chìm toàn bộ lưu vực Edogawa và Arakawa, đến tận khi đôi trẻ tái hợp vào mùa xuân năm 2024.

Trong Kimi no Nawa (theo thời gian của Taki), vào 20 giờ 42 phút ngày 4 tháng 10 năm 2013, sao chổi Tiamat rơi xuống phá hủy Itomori, 8 năm sau (2021), Taki lúc bấy giờ vẫn chưa tốt nghiệp đại học, đi phỏng vấn xin việc sớm ở Marunouchi (chính xác là vào tháng 12 năm 2021, theo một quyển lịch hẹn từng xuất hiện trong phim). Mùa xuân năm 2022, Taki tốt nghiệp, gặp lại Mitsuha vào một ngày TRỜI NẮNG ở Tokyo.

Kết luận: do sự mâu thuẫn về thời tiết, Tenki no KoKimi no Nawa. tuy có cameo lẫn nhau, nhưng không diễn ra trong cùng một dòng thời gian.

Tản mạn về tình yêu trong “Tenki no Ko”

Fan-art by Sue (@yomosueyama)

Nửa đêm tản mạn một chút về Tenki no Ko, tất nhiên không phải là “review” (vì tôi chưa thể viết). Và tất nhiên nó cũng “spoil” nặng nề, những ai chưa xem xin tránh.

Ấn tượng bởi nhan đề bài hát “Còn thứ gì mà tình yêu làm được nữa không?”, một cách tự nhiên đã hình thành nên suy nghĩ: vì “tình yêu” ta có thể bất chấp mọi thứ, làm những việc không tưởng, vượt ngoài tầm với. Ta cố gắng hết mình vì theo đuổi tình yêu đích thực của đời mình. Trong thâm tâm ta biết tình yêu dù sâu nặng đến mấy rồi thì cũng có ngày phân ly, nhưng trước sau chỉ muốn đặt trọn tất thảy hy vọng vào nó, và tin tưởng nó đến phút cuối cùng.

Bây giờ đã lập gia đình, đã không còn say mê những lý tưởng lãng mạn rung trời chuyển đất, “vì nàng ta sẵn sàng hy sinh mọi thứ” thời hoang tưởng mộng mơ, nhưng chắc chắn một điều, và ngày càng thấm thía hơn bao giờ hết, tôi sẽ luôn đưa ra quyết định hướng tới gia đình, hướng tới người mình trao trọn “tình yêu”, bất kể hoàn cảnh ngặt nghèo nhất và/hoặc buộc phải hy sinh những giá trị sống khác (lúc này bị xem là thứ yếu). Cũng phải đặc biệt cảm ơn một “tổ chức” khác (như đã viết trong slogan của blog này), nhưng không đề cập ở đây để tránh lạc đề.

Tôi nghĩ rằng, điều đó là vô cùng đơn thuần, là vô cùng hiển nhiên, mặc cho nó “nghe” có vẻ hẹp hòi, ích kỷ.

Xem con người là trên hết thay cho mọi thứ chủ nghĩa đại thể, danh nghĩa đại chúng, từ đó tôi bắt đầu vẽ một vòng tròn nhiều lớp về những người mình trân trọng nhất và ưu tiên nhất trong các mối quan hệ xã hội, rõ ràng “gia đình”, hay nói cách khác là những người mình trao gửi toàn bộ “tình yêu”, sẽ là vòng tròn trong cùng. Tôi tôn trọng xã hội, nhưng “tình yêu” của mình mới là thứ sẵn sàng dốc hết thảy ruột gan ra để bảo vệ, vì còn “tình yêu” là còn mọi thứ.

Nếu đặt vào một bối cảnh viễn tưởng, nơi quyết định cá nhân sẽ gây ra tận thế, mọi người chết hết, nhưng trước sau đã thật sự hết lòng hết dạ với “tình yêu”, thì tôi thà vì “tình yêu” mà quay lưng lại với mọi thứ, rồi sau đó cùng “tình yêu” chết theo thế giới này cũng được. Tôi chắc chắn không phải là một người dũng cảm, hành sự theo lý trí, dám từ bỏ hạnh phúc cá nhân vì đại cuộc, mà trái lại tôi thật sự chấp nhận mặc cho trái tim chi phối, miễn sao tôi vẫn có “tình yêu” bên cạnh.

Thay vì là cảm giác ghen tị, chính bởi có cùng một tâm niệm (dù nó khá tiêu cực) nên tôi hoàn toàn thấu cảm hay đồng cảm trước quyết định của Hodaka (khoan xét đến các khía cạnh khách quan như Hina có đáng phải chịu hy sinh vì thế giới hay không, cũng như “thông điệp chìm” về sự tự sửa chữa của tự nhiên). Trên hết là, tôi cảm thấy những nỗ lực sống và cố gắng hết mình vì tình yêu như Hodaka thật đáng quý và cũng đậm tính chân thực.

Nó “nghe” ích kỷ, nhưng rất nhiều người sẽ phải ích kỷ một khi buộc đưa ra các lựa chọn mang tính vận mệnh giữa “tình yêu” của cả cuộc đời với các giá trị đại thể khác. Nó xứng đáng đến mức phải đánh đổi cả cuộc đời, và thông điệp này cũng được gửi gắm rất nhiều trong bộ phim.

Suga Keisuke từng nói, sẵn sàng hy sinh một cá nhân nếu nó mang lại điều tốt cho cả xã hội, và rằng “ai cũng sẽ làm thế”, nhưng “ai” ở đây là trong hoàn cảnh nào, và cá nhân phải hy sinh đó là người như thế nào đối với họ? Có phải Suga chính là một điển hình của những người “quan sát và đánh giá công tâm”, dùng lý trí để đưa ra các quyết định có lợi hay không cho đại thể? Điều đó vẫn đúng, cho đến khi bản thân anh được đánh thức (hay tự nhận thức) bởi một tâm nguyện tha thiết hướng tới “tình yêu”, chứng kiến một người dám làm tất cả chỉ vì “muốn được gặp người mình yêu”, điều mà sâu trong thâm tâm anh hằng khao khát vô cùng nhưng sẽ chẳng bao giờ làm được nữa. Suga từ vị trí là một người “quan sát công tâm”, đã nhìn thấy chính mình trong Hodaka. Không thể phán đoán tất cả dòng suy tư trong anh vào thời điểm tự nhận thức đó, là một sự thấu cảm tuyệt đối, hay xen lẫn cả sự ganh tị, nhưng chắc chắn anh cũng (và đã luôn luôn) hiểu “vì tình yêu ta có thể làm những gì”.

Không thể phán xét ai khi không sống trong hoàn cảnh của họ và trực tiếp trở thành họ, triết lý này xưa cũ, có sai mà cũng có đúng, nhưng lại rất đúng với các diễn biến trong Tenki no Ko, qua chính sự thay đổi thái độ của một người có xuất phát điểm tương đối đặc biệt như Suga. Ta có thể cho rằng sự hy sinh tất cả vì tình yêu cá nhân là ích kỷ, ngu ngốc, cho đến khi chính bản thân ta phải trực tiếp đưa ra lựa chọn hướng tới người mình sẵn sàng dành trọn cuộc đời để yêu, hoặc đã từng trải qua cái cảm giác vô vọng vì không còn “tình yêu” nữa để mà hy sinh.

“Trời không nắng nữa cũng chẳng sao, anh muốn có em hơn bất kỳ bầu trời xanh nào” là lời tuyên bố hùng hồn nhất mà đồng thời “thực” đến không ngờ cũng vì lẽ đó. Nó gói gọn tất cả nỗi niềm, và cũng phản tỉnh mọi cái nhìn về giá trị của tình yêu đích thực. Một tình yêu không có gì phải hối hận.

Có lẽ vì con người là một sinh vật như thế.

(Tôi viết bài tản mạn này nhân dịp phim công chiếu tại Việt Nam dưới nhan đề Đứa con của thời tiết.)