Đạo làm người, hay bóc trần mặt hèn yếu của con người và phê phán sự tự mãn

Vu vơ rút ra mấy ý thực sự tâm đắc và thấm thía trong chương “Nhân cách” của Tsunetoshi Souzaburou, tháng 6 năm 1998.

I. Đừng cho rằng người khác không có quyền phê phán bạn vì bản thân họ cũng làm những việc đáng bị phê phán.

II. Đừng lấy những vấn đề đáng bị phê phán của người khác ra làm cái cớ để biện minh cho những việc làm đáng bị phê phán của chính bạn.

III. Đứng xem những điều mà người khác không làm được là thước đo để biện minh cho năng lực kém cỏi của chính bạn.

IV. Đừng lấy ví dụ sai lầm của người khác để khỏa lấp sai lầm của chính bạn.

V. Đừng nhìn người khác làm sai rồi tự cho rằng tất cả mọi người cũng được phép sai lầm như thế.

VI. Đừng dựa dẫm vào định kiến của tập thể để rồi không cố gắng hoàn thiện bản thân. Đừng vịn vào những ung nhọt xấu xa của thực tại xã hội để rồi bạt đi ý chí phấn đấu vì một xã hội hoàn thiện hơn. Đừng nhìn người khác không cố gắng rồi tự dặn lòng rằng mình đã làm đủ tốt rồi.

VII. Đừng mù quáng tin vào một chân lý do người khác chỉ vẽ, mà hãy linh hoạt làm những gì mà lương tâm không cắn rứt, vì sau cùng mọi chân lý của người khác có thể khiến bạn vỡ mộng.

VIII. Đừng tự mãn vì những gì bạn làm được trong khi vẫn còn hàng tá thứ khác bạn làm rất tệ mà nhiều người khác đều làm tốt hơn bạn.

IX. Đừng cười chê nỗi đau của người khác chỉ vì bạn đang sung sướng hơn họ. Đừng phủ nhận những bất công của người khác chỉ vì bạn may mắn chưa từng chịu bất công.

X. Đừng vì lợi ích trước mắt của tập thể mà chà đạp lên hạnh phúc của một cá nhân. Đừng xem nhẹ quyền lợi của một cá nhân để đổi lại vỏ ngoài hào nhoáng của tập thể.