Nhật Bản quay trở lại săn bắt cá voi thương phẩm vào năm 2019

Nhật Bản quay trở lại săn bắt cá voi thương phẩm vào năm 2019 và chính phủ đang bị nhiều bên cả trong và ngoài nước đặt nghi vấn (khi nói “trong nước”, nó tất nhiên không bao gồm ngư dân của các đô thị “khét tiếng” dọc bờ Thái Bình Dương như Taiji).

Để nhìn nhận sự việc trung lập hơn: Cam kết của chính phủ là không săn cá voi ở ngoài vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế Nhật Bản, chứ không phải khu vực bảo tồn quốc tế ở Nam Băng Dương và các vùng biển Nam Bán Cầu, và số lượng cá voi đánh bắt sẽ áp dụng các phương pháp tính của Ủy ban Đánh bắt Cá voi Quốc tế (IWC).

Tuy vậy, kể cả khi Nhật Bản nằm trong IWC, đã rất nhiều lần các tàu đánh bắt cá voi lợi dụng sự cho phép “nghiên cứu” của IWC để biến cá voi nghiên cứu khoa học thành cá voi thương phẩm. Người ta vẫn ăn thịt cá voi trong các quầy sashimi “đen” ở Tokyo, giá rất đắt. Và các cuộc điều tra quốc tế đã từng vạch trần một đường dây buôn bán và đánh bắt cá voi làm thịt xuyên quốc gia từ Iceland sang Nhật Bản, do các đầu mối từ Nhật Bản chi phối.

Với việc rút khỏi IWC, nó có nghĩa là càng nhiều tệ nạn buôn lậu cá voi diễn ra công khai hơn, vì vốn dĩ nó đã là tệ nạn khi Nhật Bản còn là thành viên của tổ chức này rồi.

Ở góc độ bản xứ, người Nhật có truyền thống đánh bắt cá voi và cá heo. Ở Taiji còn có cả Bảo tàng đánh bắt cá voi và xem việc đánh bắt cá voi và bản thân con thú là linh thiêng. Khác với nhiều nước không tham gia vào công nghiệp đánh bắt cá voi nhưng thờ phụng chúng, Nhật Bản “vừa bắt vừa thờ”, đền thần cá voi không hề hiếm ở ven bờ Thái Bình Dương của các đảo chính Shikoku và Kyushu.

Một số người tin rằng so với các quốc gia “hô hào không đánh bắt nhưng thực tế vi phạm còn nhiều hơn (?)” và các nước gây ô nhiễm nặng nề biển khiến cá voi chết, quá trình Nhật Bản đánh bắt cá voi là “nhân đạo” và “tận dụng triệt để toàn bộ con thú vào nhiều mục đích phát triển bền vững, chứ không chỉ ăn thịt nó hay làm lãng phí.”

Một số người khác tin rằng, việc đánh bắt cá voi là hủ tục và không cần thiết phải đánh bắt cá voi để ăn thịt chúng, do “chúng ta đã ăn quá nhiều thứ khác từ đại dương rồi.” Cũng có nhiều người vì lo sợ hình ảnh Nhật Bản xấu đi trong mắt quốc tế, đã phát động phong trào không ăn thịt cá voi, vì “chỉ là một miếng ăn nhưng để cho thế giới chỉ trích thì chẳng đáng chút nào.”

Cá nhân cho rằng, bất chấp có những khu vực đã đời đời sống bằng nghề này như một truyền thống, nó nên được dẹp bỏ. Có lẽ săn bắt cá voi là một trong những hình ảnh tồi tệ nhất về Nhật Bản, đứng ở góc độ môi trường sinh thái.