Mạn đàm về việc dịch thơ haiku

Tôi chỉ đơn giản là đăng lại bài viết trên Facebook cá nhân của mình.

Thơ Haiku có 5-7-5 âm tiết, khi dịch sang tiếng Việt có nhất thiết phải cố gắng giữ cho trọn cái 5-7-5 này? Thơ Haiku hay có chất sabi, aware, wabi, karumi (tịch-bi-đà-khinh), chú trọng điệu chứ không phải vần (vì vậy bài thơ kết hợp với các từ tượng thanh là rất đặc sắc). Làm thơ haiku vừa dễ vừa khó, cốt viết sao cho súc tích, ngắn gọn con chữ nhưng chan chứa mỹ học về thiên nhiên bốn mùa (mỗi bài phải bám theo cái “kigo” / quý ngữ cụ thể) và mang tính zen (thiền). Không dùng nhiều câu từ xa hoa cao sang, chỉ nêu lên cái mà mình thấy chứ không diễn tả tâm tình của người làm thơ, cũng như tránh tối đa các lối chơi chữ ẩn ý.

Thế nên thơ haiku mà dịch sang lục bát gieo vần là làm hỏng đi các sắc thái đặc trưng của thơ dù nó gần gũi với người dùng tiếng Việt (như Vĩnh Sính dịch), nhưng có lẽ tùy vào quan niệm (có ý kiến nói “dịch” thì phải làm sao cho nó tự nhiên nhất có thể, như là “bản địa hóa” vậy). Cá nhân thích cách dịch thơ haiku của “bậc thầy” Nhật Chiêu, và nếu du di hơn là Nguyễn Nam Trân. Thơ dịch của Nhật Chiêu không chú trọng niêm luật “thơ tiếng Việt” hay âm tiết, nhưng đọc lên cảm được ngay sự tĩnh tại thiền định (mà với người không quen thì thấy… chán do thơ không có vần). Nguyễn Nam Trân cố gắng đưa nhiều bài thơ thành thơ năm chữ chia đều cho ba câu, có vần hơn nên đôi khi lại thừa từ chứ không còn súc tích như thơ gốc nữa.

Cách dịch luôn luôn bám sát 5-7-5 âm tiết cảm giác có phần khiên cưỡng, vì từ ngữ thanh điệu hai thứ tiếng khác nhau, âm tiết cũng khác biệt. Một số nỗ lực biến câu 7 có vần điệu như câu thơ thất ngôn tiếng Việt hay thơ lục bát (như Trần Thiên Linh Thoại dịch), thành ra bài thơ trở nên nửa nạc nửa mỡ.

Nói chung, đọc các bản dịch thơ Haiku rải rác chỉ thấy ưng ý với thơ dịch của Nhật Chiêu nhất.