Những ngày cuối năm Bình Thành thứ 30, tản mạn về một triều đại sắp hết

Tôi chỉ đơn giản là đăng lại bài viết trên Facebook cá nhân của mình.

NHK phóng sự, và cảm nhận.

Với phần còn lại của thế giới, bước sang năm 2019 không có gì đặc biệt (hay ít nhất là so với bước sang năm 2020), nhưng với Nhật Bản đây là một trong những thời khắc trọng đại nhất. Triều đại Heisei với bao thăng trầm của nó sẽ kết thúc và đây là mùa đông cuối cùng. Cũng như người ta đã kỷ niệm mùa hè và mùa thu cuối cùng, mùa đông cuối cùng là lúc để hoài nhớ và suy ngẫm về 30 năm qua của mỗi người dân Nhật Bản.

30 năm Heisei đã mở đầu bằng “Thập kỷ mất mát” và làm chuyển biến sâu sắc xã hội Nhật Bản. Bi quan cùng cực về suy thoái kinh tế phủ bóng đen lên đất nước suốt 10 năm đầu và 10 năm tiếp theo đầy rẫy khó khăn. Sức ảnh hưởng kinh tế của Nhật Bản trên thế giới đã giảm đi đáng kể và đánh mất “vĩnh viễn” cơ hội trở thành siêu cường như người ta kỳ vọng vài năm trước đó. Cho đến tận bây giờ đất nước vẫn đang cố gắng bước từng bước phục hồi trong cẩn trọng với nhiều ưu tư và lo lắng. Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nhật Bản bị xem là đã “đánh mất cơ hội cạnh tranh sòng phẳng” với các quốc gia khác, do các chính sách lỗi thời và cứng nhắc. Sau khi triều đại mới mở ra, những gì đất nước cần làm là lấy lại tính “khiêm tốn” với tâm tưởng “muốn đuổi theo và bắt kịp” các nước khác.

Thời kỳ Heisei trải qua 3 thảm họa kinh thiên động địa, đầu tiên là cơn đại địa chấn Hanshin (hay Động đất Kobe) làm chết gần 6.500 người ở Hyogo, và liền sau đó là vụ khủng bố khí độc Sarin trong hệ thống tàu điện ngầm Tokyo, đều diễn ra trong năm 1995. Những cú sốc liên tiếp này giáng một đòn mãnh liệt vào tâm tưởng người Nhật, và nó vẫn là vết thương không thể xóa đi trong lòng xã hội Nhật Bản đến tận những năm cuối cùng của thời đại này, như nhà văn lớn Murakami Haruki bày tỏ trong hai cuốn tiểu thuyết của ông. Tháng 3 năm 2011, Đại thảm họa Động đất-Sóng thần-Hạt nhân Tohoku không chỉ cướp đi sinh mạng của hơn 16.000 người mà còn làm kiệt quệ nền kinh tế vùng đông bắc đất nước. Sau gần 8 năm tái thiết, khu vực này vẫn chưa thể bình phục, một phần các thị trấn vẫn tan hoang và là một nơi “bị kỳ thị”, đặc biệt là với các quốc gia nhập khẩu nông và thủy sản từ Tohoku. Thảm họa này và trận động đất Kumamoto vài năm sau đó càng làm cho tốc độ hồi phục kinh tế của Nhật Bản thêm trì trệ, chưa kể các hệ lụy xã hội to lớn khác. Những trận mưa lớn kỷ lục gây ngập lụt và sạt sở toàn miền tây và tây nam đầu năm nay có lẽ là thiên tai đáng chú ý cuối cùng của thời kỳ Heisei.

Thảm họa tháng 3 năm 2011 cũng khai sinh ra ứng dụng LINE, bây giờ là dịch vụ nhắn tin được dùng số 1 tại Nhật Bản. LINE cùng với Twitter là những mối gắn kết cơ bản của xã hội Nhật Bản hiện đại trong không gian mạng và dần dần hình thành một tiểu văn hóa Internet mang bản sắc của riêng quốc gia, hay bản sắc của người trẻ tuổi. Nó cũng là nguồn cảm hứng cho nhiều loại hình đại chúng khác. Các tiểu văn hóa anime, manga và video game có sức ảnh hưởng lan tỏa rộng khắp thế giới từ những năm 1990 và đã hình thành nét đặc trưng của xã hội hiện đại. Thế giới ảo này cũng phản chiếu một phần cách mà người Nhật “trốn tránh” thực tại phũ phàng những năm đầu mất mát. Một minh chứng là sự xuất hiện đáng kể các tác phẩm hư cấu lấy đề tài ‘isekai’ (thế giới khác) nở rộng vào thời điểm mà người dân mất đi động lực cạnh tranh và ý chí tiến lên trong thời điểm kinh tế khó khăn. Tiểu văn hóa này cùng với các loại hình giải trí như drama, âm nhạc, idol, v.v… định hình cách sống của người trẻ Nhật Bản và rất thường xuyên là điểm tựa tinh thần của một bộ phận mộ điệu lớn hơn. Những sân khấu ca nhạc idol thường xuyên có sự góp mặt của các nhân viên văn phòng trung niên. Cool Japan là một chính sách quảng bá phần sức mạnh mềm của Nhật Bản, lâu dài trở thành thuật ngữ mà người nước ngoài gọi về dịch vụ và sản phẩm trong công nghiệp nội dung hiện đại, một cách không đầy đủ.

Thủ tướng Abe Shinzo đã dẫn dắt đất nước sau những nỗ lực xử lý thảm họa chậm trễ của các thủ tướng tiền nhiệm là Kan Naoto và Noda Yoshihiko. Ngài Abe là người của LDP—Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền Nhật Bản trong nhiều giai đoạn, có xu hướng bảo thủ hữu khuynh và chủ nghĩa dân tộc. LDP đã giành thắng lợi vang dội trước đối thủ lớn nhất của nó là DPJ—Đảng Dân chủ Nhật Bản trong cuộc bầu cử năm 2012, đánh dấu sự tan rã của đảng này và kéo theo hàng chuỗi thất bại liên tiếp về mặt liên minh giữa các đảng thiên tả hay cực tả khác. Trước đó trong những năm giữa Heisei, quyền điều hành đất nước nằm trong tay DPJ với một nền tảng chính trị cực kỳ lung lay và đã phải liên tiếp thay đổi thủ tướng khi mỗi vị chỉ lãnh đạo chưa đầy một năm. Bây giờ LDP vẫn liên minh với Komeito để giành đa số ghế trong cả hai viện, trong khi các hậu thân của DPJ, Đảng Dân chủ Xã hội và Đảng Cộng sản Nhật Bản từng có lúc mất gần hết ghế trong các cuộc bầu cử địa phương. LDP đã ban hành nhiều chính sách gây tranh cãi, như quyền phòng vệ tập thể, một cách diễn giải lại Điều 9 Hiến pháp, chính thức mở đường cho sự tham gia quân sự trở lại của Nhật Bản trong các tranh chấp quốc tế mà đất nước nhìn nhận là sẽ chịu ảnh hưởng lớn, và cũng là để sửa lại Hiến pháp như mục tiêu theo đuổi quan trọng của Thủ tướng Abe. Việc tăng thuế tiêu dùng cũng gây tác động lớn và là một trong các trở ngại chính trị của Thủ tướng.

Mới đây, LDP thông qua một chính sách mới được dự báo là sẽ làm chuyển biến sâu sắc xã hội Nhật Bản: nới rộng nhập cảnh và tuyển dụng lao động ngoại quốc. Sự thông thoáng này sẽ đón nhận hơn 35 vạn người nước ngoài đến sống và làm việc tại đất nước trong vài năm tiếp theo. Có thể triều đại mới sẽ đánh dấu bước chuyển mình của một Nhật Bản đa dạng hơn về sắc tộc và ngày càng tiến tới rộng mở với sự chào đón nhập cư và cả người tị nạn. Tuy là đối sách của vấn nạn lão hóa và tỉ lệ sinh thấp trầm trọng có thể làm sụp đổ cả nền kinh tế, song đường lối này vấp phải chỉ trích dữ dội. Người dân Nhật Bản vẫn chưa sẵn sàng đón nhận người nước ngoài dù chỉ đến làm việc và chính phủ được yêu cầu phải cân nhắc các thời điểm triển khai thật sự phù hợp để tránh làm xáo trộn các giá trị cốt lõi của Nhật Bản về con người.

Quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc, Hàn Quốc xấu đi trầm trọng, đặc biệt là từ năm 2012, xoay quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Senkaku và Takeshima. Người Trung Quốc và cả người Nga nhiều lần xâm phậm hải phận và không phận Nhật Bản, có những thời điểm vô cùng căng thẳng. Sự tuyên truyền của một số tờ báo Đảng lớn của Trung Quốc, nêu lên cái gọi là “giải phóng dân tộc anh em” nhằm vào Okinawa bị chính phủ Nhật Bản lên án mạnh mẽ, và vấn đề ly khai được giải quyết êm đẹp nhờ chính sách an sinh tốt mặc cho sự ly gián từ Bắc Kinh. Trong triều đại mới, chính phủ được kỳ vọng sẽ tổ chức nhiều hơn nữa các vòng đàm phán với người Nga về vùng lãnh thổ Chishima phương bắc. Ngoài ra, chính phủ vẫn chịu những thách thức lớn trong việc giải quyết vấn đề công dân bị Bắc Triều Tiên bắt cóc thời Chiến tranh Lạnh. Tuy quan hệ giữa Nhật Bản và Bắc Triều Tiên cuối những năm Heisei có phần êm dịu đi sau những chính sách hòa bình mới của quốc gia này, suốt thời đại là những bất an to lớn về chương trình tên lửa tầm xa của nước láng giềng. Đến nay, Nhật Bản chưa từng công nhận “Bắc Triều Tiên” là một nhà nước.

Triều đại đã bắt đầu suy yếu từ giữa năm Heisei 30 (2018), trùng hợp với ý nguyện thoái vị của Thiên hoàng. Riêng trong lĩnh vực văn hóa, sự chấm dứt của các biểu tượng của thời đại, như cái chết của Saijo Hideki là điềm báo đầu tiên. SMAP giải tán, Amuro Namie giải nghệ và cuối cùng là Sakura Momoko ra đi, được ví như sự cáo chung của thời kỳ. Việc này cũng giống như cái chết của Tezuka Osamu vào năm 1989, đánh dấu chấm hết cho thời kỳ Showa vậy.

Khi Hoàng Thái tử Naruhito ngồi lên Hoàng vị, một triều đại mới sẻ mở ra. Người ta hy vọng bằng một tâm thế cầu tiến, sẵn sàng đối diện với khó khăn dù trong lòng còn chất chứa biết bao bộn bề, ưu tư, người dân Nhật Bản có thể khiêm tốn bước đi từng bước trong việc gầy dựng lại vị thế quốc gia. Những tổn thương nội tại sẽ không dễ xóa nhòa và còn rất nhiều những thách thức đang chờ phía trước, phủ khắp mọi khía cạnh duy trì đất nước và con người. Có thể những năm đầu triều đại mới sẽ là thời điểm mà các chính sách và nỗ lực bắt đầu cho thấy mặt tích cực lẫn tiêu cực không hề kém cạnh nhau của chúng, người dân có thể tin tưởng tiến lên và vượt qua nó hay không? Thế vận hội 2020 là một ví dụ tiêu biểu và có thể là cột mộc to lớn đầu tiên của niên hiệu mới, là thử thách sớm nhất.

Vào cuối thời Showa, cái tên Heisei (Bình Thành) được chọn như một khát vọng sống trong thái bình vĩnh cửu, và tiếc thay nó lại không đáp ứng được sự gửi gắm này. Trong khi chờ đợi công bố cái tên kế tục Heisei, mọi người lại suy nghĩ về những việc đã qua và dự định mới của họ trong mùa đông cuối cùng này để đón kịp làn sóng mới của triều đại mới. Năm mới 2019 đang đến gần theo cách như vậy.

Submit feedback

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.