Về khả năng phóng tác thần thoại Việt Nam

Tôi chỉ đơn giản là đăng lại bài viết trên Facebook cá nhân của mình.

Có lẽ “thần linh gốc” của Việt Nam không có cái màu sắc thần thánh kỳ ảo như thần thoại Nhật Bản và Trung Quốc (ngụ ý tại Đài Loan). Nhiều vị thần là một sự hình tượng hóa các anh hùng (tiêu biểu là các Thành hoàng hay “Nhân thần”) nên tính “thần thoại” của nó bị bó buộc nhiều trong dòng chảy lịch sử chứ không gần gũi với cuộc sống nhân gian như tại Nhật Bản hay Đài Loan.

Ngoài ra sách viết về thần thoại Việt Nam không được phổ biến như sách sử. Sách về tín ngưỡng có lẽ rất nhiều, nhưng xoay quanh các phong tục, tập tục thờ cúng và điển tích lịch sử, văn hóa nhiều hơn là về chính “vị thần”. Điều này cũng bởi các vị thần hầu hết được nhân gian hình tượng hóa từ người thật như miêu tả ở trên. Những vị thần có nền tảng thần thoại thật sự đều đa số bắt nguồn từ Trung Quốc (mà viết về Trung Quốc chi tiết quá thì lại hóa lạc đề và… sến lol)

Người Việt Nam cũng thờ cúng tự nhiên rất nhiều, nhưng không có ý niệm rõ ràng về các “linh hồn của tự nhiên” như kiểu tinh linh. Ví dụ người ta thấy bão thì nói là do thần gió gây ra, nhưng ông thần gió này xuất thân thế nào thì chắc chỉ có quy về chung với phong thần Phi Liêm của Tàu chứ không bận tâm thêu dệt truyện thần thoại của riêng mình cho ổng.

Một nguồn khai thác hiệu quả hơn là có vẻ là tập tục thờ động vật và cây cối. Một số cá thể đặc biệt từng được gọi là “thần” dù vẫn không rõ xuất thân hay nguồn gốc thần thánh, và từ “thần” có vẻ chỉ mang sức nặng là một cái gì đó cao siêu và lâu đời, được nhân gian sùng bái và tôn kính mà thôi. Có vẻ gần giống một “thức thần”, đều phụ thuộc hay đại diện cho một thế lực tự nhiên lớn hơn. Điểm này khiến nhiều vị “thần” giống một dạng youkai nào đó mà nhân gian kinh sợ hơn. Hầu hết có thể tìm thấy trong quyển “Lĩnh Nam chích quái” và “Việt điện u linh tập”, hai quyển sách thần thoại được hệ thống hóa đặc sắc của Việt Nam. “Truyền kỳ mạn lục” cũng là một nguồn tham khảo quan trọng dù nó mang màu sắc nhân gian nhiều hơn là thần thoại.

Một nguyên nhân chính khác là sự lấn áp của Phật giáo tại Việt Nam. Shinto của Nhật Bản có một thời gian dài ngự trị và song hành cùng Phật giáo để không bị hòa lẫn vào nó, trong khi người Đài Loan bảo tồn rất tốt hệ thống Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian cổ đại của họ. Mặc dù người Việt Nam vẫn thờ cúng tự nhiên, màu sắc Phật giáo xuất hiện khắp nơi và thường được quy tụ về một hướng tôn giáo cố định. Người Nhật Bản sống theo thần, chết theo Phật với một nền tảng tín ngưỡng cởi mở thiên về tự nhiên núi rừng, nhưng người Việt Nam dung hợp cả hai và đẩy mạnh việc thờ cúng Phật và các tập tục nghi lễ Phật giáo, lấy Phật giáo làm trung tâm. Phật giáo cũng có nhiều “vị thần” theo cách hiểu về mặt tâm linh thờ cúng, nhưng để viết dã sử về các “thần” này lại có nhiều điều rắc rối và vốn dĩ cũng không phải là một nguồn liệu thuần chất Việt Nam (Phật giáo đến từ Ấn Độ). Quan trọng hơn cả là người Việt Nam không sẵn sàng cởi mở khi động chạm đến những tôn giáo chính thống như vậy.

Thần thoại Việt Nam có tồn tại, những không đủ và không chắc chắn để phóng tác thành các câu chuyện cởi mở.

Submit feedback

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.