Cảm giác về cuộc bầu cử đình đám vừa qua

Xin chào, có nhiều thứ tôi muốn làm tròn nhưng vẫn phải để nó khuyết. Tôi cũng mong những khi mình chia sẻ nhật ký thì nó là chuyện mang tính giải trí nhất có thể thôi, nhưng lần này phải có dính dáng một chút về chính trị vậy. Không dám múa rìu qua mắt thợ, nên phần này tôi chỉ chia sẻ đại khái như là một người nước ngoài có quan tâm đến chuyện của nước khác qua báo đài, và qua… miệng lưỡi của nhà hàng xóm! Thế nên cũng chẳng có gì to tát đâu, chỉ là nói chuyện cho vui thôi (cười)

Bài này vốn định đăng hai ngày sau khi nước Mỹ có tân Tổng thống (nhưng tôi quên khuấy đi mất). Không cần nói nhiều thì ai cũng biết tầm quan trọng của sự kiện này, huống hồ tôi luôn tự nhận mình là một kẻ thích buôn chuyện xã hội (cười). Trước hết phải nói một chút về bản thân: là một người hữu khuynh với xu hướng trung hữu và trong một số trường hợp là thiên hữu, tôi có tư tưởng tương đối bảo thủ trong chính trị và vì vậy là một người ủng hộ Đảng Dân chủ Tự do (LDP) tại Nhật Bản, nơi tôi có quyền công dân và dĩ nhiên là bao gồm quyền bầu cử. Để không mang nặng tính lý luận hay giáo điều gì đó, ở đây hãy nói đơn giản: có thể xem tôi là “phe đối lập” với tất cả các đảng phái và đường lối chính trị tả khuynh. Trong những cuộc bầu cử đã tham gia, tôi luôn trung thành với đảng mình ủng hộ và không đặt niềm tin vào Đảng Dân chủ (DPJ, thời điểm này đã thành Dân tiến) hay các đảng thiên tả khác. Phải nói là hả hê trước kết quả cuộc bầu cử Tham Nghị viện hồi tháng 7 và bầu bổ sung Chúng Nghị viện tháng rồi (cười lớn).

Nhưng dài dòng như vậy cũng chỉ để “chia sẻ” một cách rõ ràng từ đầu về quan điểm chính trị của tôi để tránh những cái “nhăn mặt” nếu có bất kỳ sự phật ý nào (cười nhạt). Vốn dĩ nó chẳng liên quan gì đến chuyện nước Mỹ bầu Tổng thống hay những tranh cãi giữa hai phe “Dân chủ” và “Cộng hòa” trong chính trường nước họ. Có thể Đảng Cộng hòa là “hữu khuynh” (hay trong suy nghĩ nông cạn của tôi là thế), nhưng ở những nền chính trị khác nhau thì phải bàn đến nhiều khía cạnh khác nhau để tránh những phán xét thiên lệch hay phiến diện. Đồng nghĩa tôi không tỏ ra là một người thân với phe Cộng hòa hay tương tự, hãy xem là trung lập đi (cười).

Thực sự tôi cũng chỉ mới nghe tên ông Donald Trump gần đây thôi, khi có người tự nhận mình là fan ông này và viết bổ sung thông tin trên Wikipedia. Phải nói hơi thẳng rằng, ấn tượng đầu tiên của tôi khi nhìn qua ảnh là “mắc cười quá” (xin lỗi!). Có lẽ vẻ bề ngoài của ông Trump đúng là “hiếm thấy” trong giới chính trị gia (ít ra là theo thế giới quan của tôi), và thật an ủi là rõ ràng không phải mình tôi có ấn tượng như vậy (bạn bè hay người thân cũng nói thế, cười). Và vừa nhìn phải nói ngay ông này giống “dân” kinh doanh hơn là người làm chính trị nhiều (vì vốn dĩ là thế mà), y hệt những gã tài phiệt mặc định trong hình tượng của tôi từ xưa đến nay (dù biết là nhiều ông tài phiệt khác xa chứ). Chỉ thế thôi, không ngờ là ông Trump sau này lại trở thành tâm điểm của cả thế giới…

Khi các chiến dịch tranh cử nổ ra, ai theo dõi đều biết ông Trump “khét tiếng” ra sao, mà tiếng tăm đó, nói cho trung thực, trong mắt những người dân bình thường ở nước ngoài như tại Nhật Bản, trước hết đến từ việc ông này “khả ố” quá. Cách ăn nói, giọng điệu, phong thái thật sự rất khác người! Thậm chí đứa em họ (cô nhóc này rất biết cách miêu tả… phũ phàng về người khác, dù còn chưa vào lớp 1) còn bảo “giống hề quá” (cười lớn). Nhìn chung thì người Nhật, vốn rất hay xét nét lễ nghi và tác phong của các chính trị gia, trước tiên sẽ không ưa ông Trump ngay từ điểm này. Một ví dụ gần đây là với một vị tổng thống cũng “khét tiếng” khác: Rodrigo Duterte của Philippines. Nếu ông Trump vẫn rất chú ý chải chuốt diện mạo thì ông Duterte thậm chí bị xem là quá suồng sã, từ lối ăn nói thô tục cho đến trang phục tệ hại, ngay cả khi ông này đang trong những nghi thức ngoại giao trang trọng, thiêng liêng nhất. Cuối cùng thì ông Duterte cũng không có dịp nào diện kiến Thiên hoàng Bệ hạ như người ta lo ngại (cười). Người Nhật vẫn mến mộ Tổng thống đương nhiệm là Barack Obama. Ngay cả khi ông Obama đến thăm Hiroshima hồi cuối tháng 5, rất nhiều cư dân thành phố vẫy tây chào mừng rỡ, chỉ một nhóm nhỏ những người cánh tả vẫn yêu cầu “đòi lại công bằng” sau thảm họa 1945 (mà tôi vẫn thấy chướng mắt khi một số kẻ lợi dụng chuyện này để rêu rao rằng người dân Nhật Bản thù ghét người Mỹ, trong khi không hề biết quan niệm nhân văn nhất của toàn dân là hướng đến mục tiêu phi hạt nhân cùng nhau, chứ không phải thù hận nhau).

Không nhiều người Nhật quan tâm đến chính trị thế giới, và trừ tầng lớp học sinh sinh viên ra thì không hề thấy một sự tác động xã hội nào từ những chuyện như vậy. Nhưng việc ông Trump lúc còn chưa làm tổng thống đã đánh tiếng “đòi nợ” hầu hết đồng minh của Hoa Kỳ bao gồm Nhật Bản thì thật khó mà tiếp tục dửng dưng. Một khi quan hệ đồng minh Hoa Kỳ–Nhật Bản có dấu hiệu bị “xem nhẹ” mà nguyên nhân đến từ Mỹ thì bản thân người Nhật vốn rất quan tâm đến nền chính trị của quốc gia mình cũng phải căng thẳng dõi theo từng giai đoạn tranh cử, và đỉnh điểm là trong ngày bầu cử chính thức. LDP cầm quyền không muốn thay đổi chính sách an ninh hiện nay với đồng minh Hoa Kỳ (Đảng Cộng sản – JCP thì ngược lại nhưng họ đã thất bại thảm hại hồi tháng 7), thế nên Donald Trump vốn không “hợp nhãn” đã đành lại còn tỏ ra không tôn trọng nước mình thì sao mà thích ông này cho được? (cười) Chắc chắn Nhật Bản là một trong những nước sẽ rất quan tâm đến vị tân Tổng thống này.

Tôi không nói quá sâu về những dự định của ông Trump đối với Nhật Bản hay từ phía Nhật Bản đối với những chính sách như vậy, mà chỉ cố gắng trình bày về cái nhìn của “dân thường”. Khi ông Trump úp mở khả năng Tokyo tự mình làm chủ ở châu Á, vốn từ lâu nấp dưới ô bảo hộ của Washington, một số người đùa rằng “thế là người Mỹ đã gỡ xiềng xích cho chúng ta”. Nhưng cũng không thể phủ nhận những tư tưởng đang lên về một Nhật Bản có quyền tự chủ nhiều hơn về mặt quân sự (người Okinawa là một ví dụ, nếu Hoa Kỳ rút hết quân đi, dám cá họ sẽ ăn mừng cả năm trời). Cần biết rằng vai trò của Nhật Bản là cực kỳ quan trọng với Hoa Kỳ tại châu Á, và cũng không phải người Nhật “chỉ hưởng thụ” như ông Trump cáo buộc, trái lại còn đóng góp tài chính rất lớn vào hiệp ước song phương. Đẩy người Nhật vào tình thế buộc mình phải “tự lập” trong khi vốn dĩ không “ăn bám” thì chỉ đẩy nhanh sự cực đoan trong tư tưởng đang lên đã nêu mà thôi: Người Mỹ không muốn giúp chúng ta nữa? OK, chúng ta sẽ hủy bỏ cam kết về ngân sách quốc phòng! Nếu một ai đó có tư tưởng tệ hại hơn một chút: Chúng ta sẽ tự mình trang bị vũ khí hạt nhân để đáp trả Bắc Triều Tiên, vì người Mỹ không thích và không muốn bảo vệ chúng ta nữa! Continue reading

[Visual] Key Magazine Cover Collection (Update 10/2017)

Xin chào, trong bài đăng hôm trước tôi đã rất tự tin rằng mình sẽ cập nhật blog thường xuyên hơn, nên đây là một chút gì đó thú vị sau 3 năm vắng bóng.

Key vừa làm lễ kỷ niệm 15 năm thành lập (trên thực tế là Harmonia bị dời lâu quá nên cũng không còn chính xác là 15 năm nữa). Hơn một năm qua phải nói là “bùng nổ” nhất trong sự nghiệp hoạt động của công ty, với hàng loạt dự án/sản phẩm mới ra mắt và các chuyến “lưu diễn” (hay đại loại thế, cười) ở nước ngoài. Rewrite đã lên sóng vào tháng 7 và hiện tạm dừng cho đến cour thứ 2 vào đầu năm sau, có nhiều ý kiến trái chiều nhưng vẫn phải chúc mừng. Tôi sẽ chỉ nêu cảm nhận khách quan nhất khi series đã hoàn toàn kết thúc. planetarian được chuyển thể thành anime ngắn và phim điện ảnh là bất ngờ lớn nhất từ trước đến nay; mọi người chuẩn bị mua Blu-ray chưa? Hiện có kế hoạch phát hành nhiều hơn nữa tác phẩm của công ty sang thị trường toàn cầu qua Steam, và năm tới Rewrite sẽ là visual novel đầu tiên của Key có phiên bản PS4! KSL đã phát hành được hơn 120 đĩa nhạc, mà xưa nay tôi luôn nghĩ thật là đáng tự hào vì một công ty phát triển game lại bán ra hàng trăm đĩa nhạc.

Nhưng không phải là mọi chuyện đều tốt đẹp. Tôi đã rất bàng hoàng trước tin Maeda-sama nhập viện vì chứng cơ tim giãn nở vô căn, một bệnh rất nguy hiểm và cuối cùng vẫn phải thay tim… Không thể trách được khi trong đầu tôi hiện lên hình ảnh Angel Beats! sau tất cả… Maeda-sama bây giờ sử dụng Twitter rồi (@jun_tenhou), nên mọi người có thể theo dõi từng dòng tâm sự, và chỉ với hy vọng mọi thứ sẽ tốt lên. Tôi thấy -sama vẫn rất lạc quan. Nhưng người trụ cột tinh thần (ít ra là trong mắt kagikko) đã gặp chuyện như vậy thì thật sự rất đau lòng. Tôi vẫn muốn Maeda-sama tiếp tục viết nữa, dù không phải game cũng được. Vẫn chưa biết Angel Beats! -2nd- bao giờ mới bán nhưng tôi nghĩ toàn bộ kịch bản của cả 6 phần đều phải xong cả rồi.

Sau đó là tin người trụ cột thứ hai của công ty là Hinoue Itaru-sensei từ chức. Khó có thể hình dung một Key mà không có Hinoue-sensei thì sẽ trông như thế nào. Tôi nghĩ Na-Ga là rất tuyệt vời, nhưng tình cảm của tôi chỉ thực sự dành cho phong cách nghệ thuật của Hinoue-sensei. Itaru-e mất đi thì không thể là Key nữa, chắc chắn như vậy. Năm xưa giữa Maeda Jun và Hisaya Naoki, và nay là giữa Hinoue Itaru và Na-Ga… Nhưng phải nói thật: vốn dĩ Hinoue-sensei chẳng đi đâu cả, kể cả là trong bài phỏng vấn với Animate -sensei có nói thế nào. Về cơ bản Hinoue-sensei vẫn đang làm việc với VisualArt’s như một nhân viên outsource, và tôi đoán là thời gian tới vẫn sẽ thường xuyên nhìn thấy tên của -sensei trong credit tác phẩm (cười). Ít ra bây giờ chân trời rộng mở hơn với Hinoue-sensei, hãy chúc -sensei thành công với hướng đi mới và cũng đặc biệt chúc -sensei sẽ lại vẽ thêm nhiều nhân vật nữa cho Key (cười).

Chúc mừng Halloween muộn! Thật may vì Hinoue-sensei không có thời gian để vẽ quần áo cho Nao (ノ≧∀≦)ノ

Dù quá bận rộn với việc chuyển nhà và thi cử suốt mấy tháng cuối năm, tôi vẫn quan tâm đến tình hình ở Key, nhưng có thể không cập nhật được những tin tức mới nhất nữa. Tôi sẽ bắt đầu lại từng chút một. Thời gian này hoài niệm về một quá khứ chói lọi của công ty khiến tôi rất muốn làm chút gì đó để gợi nhắc rằng “ra là Key đã có thời như vậy đó.” Và ý tưởng nhanh nhất là tổng hợp những tạp chí với các tác phẩm của Key là tiêu điểm trang bìa. Như nhiều người biết thì VisualArt’s/Key có quan hệ chiến lược kinh doanh và truyền thông rất mạnh với ASCII Media Works (cả Angel Beats!, CharlotteRewrite đều được ASCIIMW phối hợp sản xuất). Trong 15 năm qua đã nhiều lần tác phẩm của Key được các tạp chí thuộc ASCIIMW như Dengeki G’s hay Dengeki Hime chọn làm tiêu điểm giới thiệu, bình luận và quảng bá. Song song với đó là những tạp chí nổi tiếng khác về công nghiệp bishōjo game như Comptiq, Comp Ace và công nghiệp anime như NyanType, Megami cũng có thể xem là đã đồng hành cùng Key liên tục trong hơn thập kỷ qua, và kagikko thường có chung một cảm xúc khi tìm về những thư liệu cổ xưa như vậy.

Bài blog này đăng trọn vẹn nhất có thể những minh họa bìa tạp chí vô giá do các họa sĩ của Key hoặc liên quan Key thực hiện. Tin rằng sẽ rất thú vị với những kagikko muốn tìm lại cội nguồn! Tôi chia theo năm chứ không theo tạp chí, dưới mỗi hình bìa sẽ chú giải số ra, hy vọng có thể tạo thành một dòng thời gian hoàn chỉnh; có thể nhấp vào hình để xem bìa lớn hơn (dù những số quá cũ sẽ khó mà có độ phân giải đủ tốt). Cũng nên lưu ý rằng đây không phải là một danh sách các số tạp chí có bài viết liên quan đến Key, mà chỉ là có hình các nhân vật của Key trên bìa thôi. Các bài viết giới thiệu hay phỏng vấn về Key vẫn thường là tiêu điểm trong nhiều số tạp chí, dù không có trên trang bìa.

1999

Comptiq tháng 5 năm 1999Comptiq số tháng 5 năm 1999. Nếu không có nhầm lẫn, tôi tin đây là lần đầu tiên Key xuất hiện trên bìa tạp chí. Kawasumi Mai từ Kanon, minh họa bởi Hinoue Itaru.

2000

Comptiq tháng 9 năm 2000Comptiq số tháng 9 năm 2000. Kamio Misuzu từ AIR, minh họa bởi Hinoue Itaru.

Comptiq tháng 12 năm 2000Comptiq số tháng 12 năm 2000. Kannabi no Mikoto từ AIR, minh họa bởi Hinoue Itaru.

Comptiq tháng 12 năm 2000, phụ trương đặc biệtComptiq số tháng 12 năm 2000, phụ trương đặc biệt giới thiệu hai tác phẩm đầu tay của Key. Kamio Misuzu từ AIR, minh họa bởi Hinoue Itaru.

2002

Comptiq tháng 3 năm 2002Comptiq số tháng 3 năm 2002. Tsukimiya Ayu và Minase Nayuki từ Kanon phiên bản anime 2002 bởi Toei Animation; Ōnishi Youichi thiết kế.

2003

Comptiq tháng 2 năm 2003Comptiq số tháng 2 năm 2003. Furukawa Nagisa từ CLANNAD, minh họa bởi Hinoue Itaru.

Comptiq tháng 9 năm 2003Comptiq số tháng 9 năm 2003. Minase Nayuki (Kanon), Kamio Misuzu (AIR) và Furukawa Nagisa (CLANNAD), minh họa bởi Hinoue Itaru.

2005

Megami tháng 3 năm 2005Megami số tháng 3 năm 2005. Kamio Misuzu từ AIR phiên bản anime điện ảnh 2005 bởi Toei Animation; Kobayashi Akemi thiết kế.

Megami Deluxe tháng 3 năm 2005Megami Deluxe số tháng 3 năm 2005. Kamio Misuzu, Kirishima Kano và Tohno Minagi từ AIR phiên bản anime 2005 bởi Kyoto Animation; Aratani Tomoe thiết kế.

Megami tháng 5 năm 2005Megami số tháng 5 năm 2005. Kamio Misuzu từ AIR phiên bản anime 2005 bởi Kyoto Animation; Aratani Tomoe thiết kế.

Compace tháng 5 năm 2005Compace số tháng 5 năm 2005. Đây là minh họa gốc của Hinoue Itaru ngay từ số đầu tiên của tạp chí này, cũng như hai số tiếp theo.

Compace tháng 8 năm 2005Compace số tháng 8 năm 2005. Tiếp tục là minh họa gốc của Hinoue Itaru.

Megami tháng 10 năm 2005Megami số tháng 10 năm 2005. Kamio Misuzu và Kannabi no Mikoto từ AIR, minh họa bởi Hinoue Itaru.

Compace tháng 11 năm 2005Compace số tháng 11 năm 2005. Tiếp tục là minh họa gốc của Hinoue Itaru.

Continue reading

Đã chuyển nhà, và chuyện giỡn chơi trong 3 năm…

Xin chào, là Minata Hatsune đây. Trong 3 năm qua tôi có rất nhiều kỷ niệm đáng để chia sẻ, nhưng lời đầu tiên luôn là XIN LỖI vì đã để blog này trống trơn lâu như vậy. Thỉnh thoảng tôi vẫn kiểm tra lượt truy cập, dù là ai truy cập thì cũng phải xin lỗi vì bạn phí công bấm vào đây để xem bài mới rồi (cười). Tôi cứ hy vọng “từ bây giờ mình có thể thoải mái viết nhiều hơn”, nhưng liền sau đó là những chuyện làm phân tâm, và có biết bao nhiêu thứ muốn nói, muốn bày tỏ, muốn được mọi người ủng hộ rơi vào quên lãng… Tôi viết để thoải mái cho mình thôi, nhưng mà lại tự làm mình mệt mỏi rồi.

Tôi đã cập nhật lại giao diện blog từ năm 2015, nhìn nó sáng sủa hơn và khá là… chuyên nghiệp nhỉ? Lúc đó cảm hứng viết blog là mạnh nhất, ấy vậy mà vẫn cứ bỏ trống mãi. Phần tôi thích nhất là khung banner quảng cáo cho anime và eroge (cười). Tôi cảm thấy đây giống với trang nhà của mình hơn rồi.

Lan man như một thói quen, giờ là phần kể lại những chuyện đã xảy ra trong 3 năm qua, đúng với tính chất “nhật ký web”. Có lẽ bài blog này chỉ là nhấn mạnh sự trở lại thôi, tôi cũng lười thêm nhiều hình ảnh, nhưng các bài sau thì chắc chắn sẽ rất đẹp (cười).

2014 và 2015

Gần như quên hết rồi.

Thật là… trong năm 2014 tôi đã làm gì vậy nhỉ? Bài blog thật sự gần nhất là tháng 8 năm 2013. Thời gian đó tôi nhảy múa vì Little Busters! ~Refrain~, và viết một loại bài có tựa na ná “Bài giảng sử hải quân moe”. Mùa hè năm 2013 tôi bắt đầu chơi KanColle, và vẫn xuất chinh đều đặn cho đến giữa 2015. Từ tháng 9 đến tháng 12, tôi có về Việt Nam một lần và gặp gỡ những người em/em họ của mình tại Huế (nơi mình sinh ra), có vài bé là mới gặp lần đầu tiên. Và vào những ngày cuối năm chắc chắn là chúc mừng sinh nhật Nagisa, loạt ảnh Comiket và chúc mừng năm mới từ những họa sĩ eroge yêu thích…

Nhờ lưu trữ Twitter, tôi có thể giải thích vài chuyện vui trong năm 2014. Giờ thì nó chẳng quan trọng, nhưng cứ xem như là “lưu dấu” vậy. Tháng 3 tôi có về Việt Nam offline cùng mọi người trong Vietnam Key FanClub ở Sài Gòn, nhân dịp có sự kiện phát hành artbook Eshi100 vol.1. Đến tháng 4 thì bị viêm phổi kéo dài sang tận tháng 5. Đầu tháng 8 tôi có vinh dự đến Luân Đôn lần đầu tiên nhân Wikimania 2014. Không có gì để chia sẻ cả, vì chẳng có ai trong đoàn đủ thời gian làm bất cứ việc gì khác ngoài chương trình nghị sự.

Tháng 10 cũng là bắt đầu một chuỗi ngày tháng “tha phương” mới ở Sài Gòn. Tôi đã kết hợp việc công (Wikimedia) và việc riêng trong chuyến đi này, cứ vậy suốt đến tháng 6 năm 2015. Tôi đã đi Hà Nội lần đầu tiên (nếu không tính một lần xa lắc xa lờ vì lý do giấy tờ) và về thăm Huế trong 1 tháng liền.

Từ tháng 6 năm 2015, tôi về lại Tokyo để lên kế hoạch hoàn tất năm cuối đại học (có nghĩa là học đại học những… 6 năm, mà đáng lẽ ngành này chỉ cần 4 năm ~). Từ đó tôi thay đổi thói quen ăn uống do quá bị ám ảnh sau lần xét nghiệm máu định kỳ, chuyển từ ăn thịt sang chỉ ăn thủy-hải sản và đôi khi là côn trùng, tất nhiên là với rất nhiều rau xanh. Chỉ số máu đã không thể tốt hơn nữa sau đó (cười lớn). Tháng 12 nhân dịp nghỉ đông và để tự thưởng cho mình đã vượt qua hàng loạt bài thi nợ môn, tôi về Tochigi (quê nội) và trải qua quãng thời gian phải nói là cực kỳ tươi đẹp với gia đình. Tôi đã chia sẻ nhiều trên Facebook về những cô cháu gái đáng yêu chưa vào lớp 1, và cực kỳ yêu thương chúng. Tôi đã định sẽ dọn hẳn về Tochigi sau khi tốt nghiệp, nhưng trời xui đất khiến lại làm chệch hướng một lần nữa… sẽ nói sau vậy.

2016

Năm này ngoài những thời điểm chộn rộn cuối cấp, phải nói là rất nhiều điều bất ngờ. Khác với những bạn đồng khóa (mà khoan, phải là “các em đồng khóa”) thời điểm này đã lo xong nghề nghiệp tương lai từ trước (năm thứ 3 là năm chạy thử việc) và chỉ lo ôn thi một cách thoải mái, tôi thì ngược lại hoàn toàn. Việc ôn thi là cực hình, tôi cũng không nghĩ mình lại tệ đến vậy, nhưng vẫn tranh thủ thời gian làm vườn. Tôi ngày càng thích làm vườn hơn, sau này phải rời xa khu vườn riêng của mình ở Đại học TMU lại càng thấy xót.

Tháng 4 xảy ra thảm họa động đất ở Kumamoto. Suốt những tuần sau TV toàn đưa tin về thiệt hại sau trận đại địa chấn, tôi cũng như biến thành một phóng viên tin nhanh ở Wikipedia, Wikinews và… Facebook. Đến cuối tháng lại có sự kiện quan trọng: tôi đã có được văn phòng đầu tiên do mình làm chủ phần lớn! Đây có thể xem là khởi nghiệp không nhỉ? Tôi không đặt quá nhiều kỳ vọng vào đó đâu, vì tính cách trước giờ rồi, nhưng sẽ tận tâm lo cho nó hết mức có thể. Công ty này ở Yokohama nên có nhiều khi tôi phải chạy lên chạy xuống từ Chiyoda, khá là bất tiện. Nếu có ai tò mò về lĩnh vực: xúc tiến văn hóa ~ Tôi chỉ nói được vậy thôi, vì phải chờ xem có thể mở rộng nó ra đến đâu nữa vào giữa năm sau. Mà, chúc mừng tôi đi! o(≧∇≦o)

Tháng 7, tôi có dịp đến Ōarai ở Ibaraki để làm báo cáo thực nghiệm và sẵn dịp hưởng thụ không khí lễ hội mùa hè thường niên của thị trấn biển này. Ōarai là một trong các nguồn cảm hứng cho anime Girls und Panzer nổi tiếng, và khắp thị trấn cũng trang hoàng bằng những hình họa các nhân vật để quảng bá du lịch otaku (hay “hành hương anime”). Ít tháng sau thì Rewrite khởi chiếu, tuy đúng vào lúc thi tốt nghiệp đợt 2 nhưng tôi cũng xoay sở được thời gian xem từ đầu đến cuối. Cảm nhận về anime trong mơ từ nhiều năm trước này có lẽ sẽ chỉ viết sau khi tôi xem xong cour thứ 2 vào năm sau (chính xác là vậy, 11 tập tiếp theo là cour thứ 2 chứ không phải season 2).

Và quan trọng nhất: CHUYỂN NHÀ. Như đã nói, việc đi lại giữa Yokohama và Chiyoda là một trở ngại cho công việc, nhưng nó lại chẳng ảnh hưởng bao nhiêu đến việc chuyển nhà. Tại vì… nơi tôi chuyển đến cũng chẳng phải Yokohama (lại còn xa hơn nữa), có chăng thì cùng tỉnh Kanagawa thôi. Tôi không thích Tokyo nữa, tôi muốn thử bắt đầu cuộc sống mới ở một nơi yên tĩnh hơn và làm những việc mình thích là được. Tôi không chọn về quê ở Tochigi, vì đã sớm có cảm tình với Hadano rồi (liên quan đến ý muốn của một người đặc biệt). Vùng này có địa hình đồi núi và cách Tokyo 5 giờ tàu. Nếu trước kia ở Tokyo tôi sống trong một ngách nhõ giản dị đối diện phố mua sắm sầm uất Akihabara, thì nơi ở mới tại phường ngoại ô Tokawa thật… chẳng có gì cả. Cây cối ít mà nhà cửa cũng ít, như đồng hoang vậy.

Tôi sẽ kể về cuộc sống mới sau. Suốt tháng 10 tôi chỉ lo việc chuyển nhà và làm quen với hàng xóm thôi. Bây giờ khi đã đâu vào đó rồi, tôi nghĩ mình lại có thể bắt đầu những việc mình thích, như viết blog này vậy. Thời gian qua dù bận rộn tôi cũng xem nhiều tác phẩm mới, văn học tiểu thuyết có mà manga/manhua cũng có. Có rất nhiều cảm nhận muốn chia sẻ, tôi sẽ tranh thủ viết ra hết. Ở trên tôi không đề cập chút gì liên quan đến chính trị dù nó là đề tài tranh luận nảy lửa suốt mấy tháng liền, nhưng thôi, tôi muốn quên càng nhanh càng tốt, chỉ cảm thấy việc bồi đắp tâm hồn vui hơn nhiều so với hăng tiết cãi lộn vì chuyện của nước khác (cười nhạt).

Một chuyện nữa là hồi giữa năm tôi bắt đầu học tiếng Trung để có thể đọc vài tiểu thuyết mình yêu thích, đến bây giờ trình độ vẫn chỉ cấp 1 thôi. Hy vọng là sau khoảng 1 năm nữa tôi có thể ở mức chuyên nghiệp rồi, vì đã biết tiếng Nhật từ trước cơ mà (cười). Ở Hadano thì việc chạy theo sở thích otaku cũng không còn thuận lợi như trước, nhưng vẫn có cách!

Tạm biệt, xin hẹn bài blog sau.