Làm rõ một số phản hồi về bình luận “otaku là như thế nào?”

Tôi viết bài blog này để làm rõ một số điểm chưa thể hiện trong bình luận trước đây của tôi.

Hôm qua trong tài khoản Facebook cá nhân, tôi đã viết một bình luận ngắn về văn hóa otaku và từ otaku theo cách hiểu tích cực. Ban đầu, một người bạn chỉ hỏi quan điểm của tôi về việc này (xuất phát từ một bài đăng chỉ trích otaku khác cũng trên Facebook), nhưng tôi suy nghĩ dài dòng hơn để tìm cách đưa ra những ý kiến rõ ràng nhất, và tình cờ mà nó đã trở thành một bài luận ngắn lúc nào không hay. Xin lỗi, tôi vẫn bị cấp trên và đồng nghiệp than phiền rằng mỗi khi cần tôi soạn một vấn đề xã hội đơn giản thi nó luôn dài quá 2 đến 3 trang giấy A4, tôi quá nhiều chuyện (cười lớn).

Tôi đăng lại toàn bộ bài viết đó ở đây:

Bây giờ người ta đã sử dụng cụm từ “văn hóa otaku” một cách chính thức, và dù cho nó vẫn bị hạn chế, không có gì phải nói thậm tệ otaku đến mức như vậy nếu bạn không sống ở Nhật Bản, và chỉ nghe về otaku qua các tài liệu trên Internet.

Otaku ngày càng được mở rộng ngay tại Nhật Bản, vì từ nghĩa ban đầu, nó đã phá vỡ lớp vỏ cố hữu và được dùng như một “thuật ngữ”, không phải là từ mang hàm nghĩa. Thậm chí nó có thể hiểu một cách hài hước, mang nghĩa trêu chọc nhẹ và không thể cảm thấy xấu hổ được, vì thực tế là thế hệ trẻ Nhật Bản ngày càng đam mê nghệ thuật 2D. Ban đầu “otaku” là những người lập dị chỉ đóng cửa ở nhà như hikikomori và chơi với sản phẩm 2D. Nhưng vì đã dần được chuyển thành “thuật ngữ”, những người mua tất cả mọi thứ liên quan đến 2D cũng được gọi hay tự nhận là otaku, trong khi họ vẫn đến trường hay công sở bình thường, dù họ thích thế giới 2D, đó là sự đam mê và không ảnh hưởng đến luân lý xã hội, cũng như thích sưu tầm tem đến quên ăn quên ngủ hay thú chơi cá cảnh.

Một điều bạn cần biết, là Nhật Bản đang càng ngày càng Tây hóa, tiến trình này đã bắt đầu từ những năm 70-80, và bây giờ nó không hề dừng. Những người truyền thống đau đầu vì thế hệ trẻ Nhật Bản, nhưng khi chúng ta đang đứng trong một cộng đồng thế hệ trẻ, chúng ta sẽ tự nhiên đi theo hướng đi của đám đông cho đến khi có cách mạng văn hóa xảy ra. Người Nhật tiếp thu phương Tây nhiều hơn, và họ cũng biết quan điểm của thế giới bên ngoài về nền văn hóa của nước mình, otaku là một trong số đó. Khi người Nhật nghe nước ngoài gọi đó là “otaku” theo một cách bình thường và như một thuật ngữ, họ cũng bắt chước xem “otaku” là một thuật ngữ không mang hàm nghĩa sâu xa. Vì vậy “otaku” bây giờ được cải thiện suy nghĩ theo cách như vậy.

Nếu bạn chỉ nói về “otaku” là một thuật ngữ bên ngoài Nhật Bản, nó tuyệt nhiên không ảnh hưởng gì đến cách nhìn nhận ở Nhật Bản. Ở nước ngoài, “otaku” là chỉ một cộng đồng người yêu thích 2D, và chỉ giới hạn như vậy, đó là một thuật ngữ như tôi nói ở đoạn trên. Gọi một ai đó là “otaku” ở nước ngoài hoàn toàn không bị e dè thêm một nghĩa nào khác như ở Nhật Bản. Otaku là Otaku, là những người yêu thích 2D bên ngoài Nhật Bản, chỉ như vậy thôi, và nó được thế giới này công nhận. Bạn có biết Otakon, một trong những lễ hội anime lớn nhất ở Hoa Kỳ, thu hút hàng chục ngàn người hâm mộ hàng năm và được những công ty truyền thống ngay tại Hoa Kỳ giới thiệu? Chẳng phải “Otakon” là bắt nguồn từ thuật ngữ “otaku” đấy ư? Bạn e sợ gì nữa với điều này? Tôi nói thẳng ra là nếu bạn đang ở bên ngoài Nhật Bản, và bạn yêu thích văn hóa 2D, hãy cứ tự hào mà nói rằng bạn là một otaku để những người cùng sở thích có thể tìm và gặp được bạn.

Quay lại bên trong Nhật Bản, lúc nãy tôi đã phân tích về hiện tượng chuyển nghĩa của otaku. Bây giờ tôi nói lại về nghĩa gốc của otaku có ảnh hưởng như thế nào. Không ai xem một người tự nhận là otaku ra gì, bạn có chắc không? Aso Taro, Cựu Thủ tướng Nhật Bản và nay là Phó Thủ tướng mà tôi rất kính trọng, đã từng nhận mình là một otaku trước báo giới. Từ ông mà những otaku tự gọi là otaku chỉ vì họ yêu thích văn hóa 2D bằng một tình yêu cháy bỏng được phá vỡ lớp hàng rào cố hữu. Những hikikomori hay những tên bị thế giới 2D làm điên loạn và tự nhận là otaku hay bị gọi là otaku, đúng, những người này là hình ảnh tiêu cực khi nói về otaku Nhật Bản, nhưng otaku Nhật Bản không phải chỉ là những người này, khi mà càng ngày nghĩa của từ “otaku” ngày càng bị chuyển hóa và lượng người trẻ biết đến văn hóa 2D ngày càng nhiều.

Tôi từng nói tôi sẽ không tự gọi mình là “otaku” khi tôi ở công ty, vì không phải lúc nào nó cũng mang nghĩa nghiêm túc, dù hài hước hay không thì ở nơi công sở bạn không nên nói nhiều về sở thích này. “Otaku” tại Nhật Bản vẫn còn một quá trình rất dài để được cả xã hội thừa nhận, nhưng ít ra hiện tại nó mang nghĩa “thuật ngữ” nhiều hơn rồi. Và dù sao thì khi mà thế hệ có thành kiến với từ “otaku” nghĩa gốc trước đã không còn, thế hệ trẻ quen với “thuật ngữ otaku” phương Tây sẽ dần thay đổi suy nghĩ về cụm từ này.

Tôi chỉ muốn nói là đừng ra vẻ như bạn hiểu biết nhiều về otaku khi bạn đang sống ở ngoài Nhật Bản. Ở ngoài Nhật Bản, như tôi nói ở mục trên, “otaku” đã là một nền văn hóa được công nhận bởi cộng đồng hâm mộ trên khắp thế giới, không có gì là xấu khi nói như vậy cả. Sẽ thật ngu ngốc khi có ai đó chỉ trích “otaku” mà những người họ gọi là “otaku” đó không phải là người Nhật Bản.

*Bổ sung: bạn có biết rằng từ otaku ở Nhật Bản theo kiểu phương Tây viết bằng katakana, không phải kanji như trước?

Có lẽ tôi đã quá vội và chưa làm rõ được vài chuyện, nhưng xin trình bày bên dưới. Bài đăng này được chia sẻ qua một vài trang cộng đồng về anime-manga khá lớn trên Facebook tiếng Việt, trong đó có Otaku Thời Báo là trang mà tôi đang làm cộng tác viên tự do. Nó nhận được khá nhiều phản hồi, có đồng ý lẫn không đồng ý. Tôi sẽ không tranh cãi thêm về những ý kiến không đồng ý, vì bài này viết trên cơ sở là bình luận theo quan điểm và kiến thức của tôi suốt 5 năm sống và làm việc trong vai trò công dân Nhật Bản, cũng như hiểu biết về văn hóa otaku ở bên ngoài đất nước, nó không phải là bài để phản biện hay “tự bào chữa”, “giải quyết vấn đề” đại loại. Tôi không đại diện cho ai khi viết, vì nó được đăng lần đầu tiên là trong trang cá nhân của tôi, và tôi xem Facebook cũng như Twitter là một nhật ký viết lên suy nghĩ của mình mỗi ngày.

Tuy nhiên, có một số phản hồi hiểu lầm quan điểm của tôi, đó là đáng tiếc (ngoài phản hồi nói tôi “tự bào chữa, giải quyết vấn đề” đã được giải thích rõ ở trên). Tôi muốn viết một số dòng thêm ở đây cho từng câu phản hồi như vậy.

Đầu tiên, có người nói tôi không nắm vững thế nào là một otaku, vì otaku có đa dạng thể loại, chỉ những người đam mê cuồng nhiệt những idol, J-pop, xe điện, v.v. Trả lời: bài viết trên của tôi như đã nói là để bình luận về một ý kiến không mấy tốt đối với otaku trên thế giới, và otaku đó là 2D (anime, manga, visual novel, light novel, figure, v.v). Tôi biết rằng “otaku” chỉ nhiều đối tượng hơn như thế, sai sót của tôi là không yêu cầu làm rõ ra đây là bình luận về vấn đề cụ thể gì, xin lỗi và cảm ơn vì đã chỉ ra điều như vậy. Tôi cũng là một otaku của J-pop đây, hay âm nhạc Nhật Bản nói chung.

Thứ hai, có người nói tôi hiểu sai hay thiếu về vấn đề mà bài đăng chỉ trích otaku đầu tiên đã nêu ra, đó là chưa làm rõ cái gọi là “fan phong trào” (fanbase, tôi đoán), đang làm xấu bộ mặt của những fan chân chính – là nguyên nhân của người viết bài chỉ trích đầu tiên không được tôi nhắc đến. Tôi nghĩ xuất phát điểm từ phản hồi này là vì người đó nghĩ tôi đang viết phản biện lại bài đầu tiên, vậy nên vui lòng đọc lại đoạn phía trên có nói mục đích tôi viết “bình luận” này. Tôi không tranh cãi về những ý kiến trong đó, mà tôi nêu quan điểm của tôi kèm nhận xét cuối của tôi về việc không nên gọi ai đó là xấu xa, thiếu hiểu biết chỉ vì họ nhận mình là “otaku” – và “họ” ở đây lại không phải là người Nhật Bản, quốc tịch Nhật Bản. Tôi chỉ đang nhắm vào việc anh/chị ta bêu xấu otaku thế giới dựa trên lý lẽ là otaku tại Nhật Bản có ý nghĩa tiêu cực, không phải mở rộng vấn đề sang chuyện fanbase tiêu cực, đó là chuyện khác. Còn nếu bạn muốn nghe ý kiến của tôi về fanbase tiêu cực, tôi sẽ nói thêm rằng những đối tượng như vậy là một phần trong văn hóa otaku. Nền văn hóa sẽ có tiêu cực và tích cực, đặc biệt ở trường hợp thế giới 2D, vì vậy cái chúng ta muốn là hạn chế đi sự tiêu cực của một bộ phận fan phong trào như vậy.
Cuối cùng nhấn mạnh rằng bài luận này không phải là biện hộ để mà phải phân tích từng mặt không tốt trong văn hóa otaku, nó chỉ không đồng tình với ý kiến chỉ trích tất cả ai tự gọi là otaku trên thế giới. Cảm ơn người đã viết phản hồi này, bạn suy nghĩ rất sâu và có một tình yêu với 2D.

Thứ ba, có người nói không thể nhận là otaku vì anh/chị ta không đủ tài chính về mọi thứ. Nếu anh/chị ta ở Nhật Bản và trong trường hợp otaku là một thuật ngữ bình thường, có thể như vậy, nhưng otaku trên thế giới như tôi đã giới hạn: “là những người dành tình cảm cháy bỏng” cho anime, manga và mọi thứ khác, nên trở ngại này là không cần thiết. Bạn vẫn có thể gọi bạn là otaku trên thế giới như một thuật ngữ lành mạnh.

Thứ tư, có người bảo đọc xong vẫn “chả biết otaku là cái gì”, điều đó thì bạn nên tra cứu trong những phương tiện khác, vì bài luận này không giải thích otaku là gì (đọc thêm ở phản hồi đầu tiên).

Thứ năm và cuối cùng, “hikikomori” có gì xấu? Vâng, nó là rất xấu và dễ đi đến tự tử. Nhật Bản đứng đầu thế giới về số vụ tự tử, nguyên nhân có một phần không nhỏ là những hikikomori. Chống lại xã hội và không giao tiếp với xã hội là không thể khi bạn đang ở trong xã hội, và nhất là khi bạn đang có suy nghĩ rất là tiêu cực liên quan đến văn hóa 2D. Chính vì vậy mà otaku bị người Nhật trước đây xem là rẻ rúng, khinh bỉ, vì số vụ phạm pháp và nguyên nhân không đâu để mà tự tử.

Đây là tiểu blog đột xuất, tôi muốn người khác không hiểu lầm suy nghĩ của tôi. Tôi là một người trung lập, nếu bạn cần tôi viết một bài phê phán thói xấu của otaku, tôi sẽ làm, nhưng mục đích của bài trên là không phải như vậy. Tôi muốn thể hiện tình yêu với thế giới 2D, tôi yêu sự dễ thương, trẻ trung trong những tác phẩm moe, say đắm bởi tình cảm trong những tác phẩm lãng mạn, và xúc động đến mứt day dứt, ám ảnh và tự rút ra nhiều bài học trong những tác phẩm sâu sắc, cao trào cảm động về nhân sinh (như của Key, bạn có thể đọc bài viết cảm xúc ngắn của tôi với Key ở đây). Như vậy tôi vẫn có thể tự gọi mình là otaku ngay tại Nhật Bản khi nó mang nghĩa tích cực của một “thuật ngữ” kiểu phương Tây (dù cho đúng là tôi đã mua mọi thứ liên quan đến Key và các tác phẩm khác -cười-), và ở nước ngoài, tôi sẽ càng thoải mái hơn khi gọi mình như vậy. Tôi không định phản biện thêm với ai nữa.

Cảm ơn vì bạn đã đọc, tình cơ hay qua chỉ dẫn, xin lỗi vì quá dài dòng, vì như đã nói tôi là một người dài dòng. Để thể hiện sự nghiêm túc tuyệt đối, tôi không dùng bất kỳ hình ảnh nào trong blog này.

2 thoughts on “Làm rõ một số phản hồi về bình luận “otaku là như thế nào?”

Submit feedback

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.